Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Cơ hội cơ cấu lại ngành thuỷ sản

14:35' - 03/08/2018
BNEWS Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, đây là cơ hội để cơ cấu lại ngành thuỷ sản nói chung, nghề cá nói riêng; hướng tới một nghề cá phát triển bền vững gắn với bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Ngày 3/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về một số nhiệm vụ cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác bất hợp pháp (IUU). Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, để khắc phục "thẻ vàng" của EC, thời gian tới, các bộ, ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, coi đây là cơ hội để cơ cấu lại ngành thuỷ sản nói chung, nghề cá nói riêng; hướng tới một nghề cá phát triển bền vững gắn với bảo vệ chủ quyền Tổ quốc...

* Triển khai nhiều giải pháp

Ghi nhận những kết quả đã đạt được thời gian qua trong việc khắc phục "thẻ vàng", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những nỗ lực mà các bộ, ngành, địa phương đã triển khai. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những nguyên nhân, hạn chế trong quá trình triển khai và yêu cầu cần phải tập trung khắc phục các hạn chế trong thời gian tới.

Trước mắt, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố ven biển tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công điện số 732/CĐ-TTg, Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ và Quyết định số 670/QĐ-BNN-TCTS của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu và không để EC giơ "thẻ đỏ" đối với hải sản Việt Nam.

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát lại các quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão... Lập kế hoạch điều chỉnh bổ sung sửa chữa các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão. Bộ Quốc phòng kiểm soát chặt chẽ việc tàu cá xuất bến, xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm, môi giới cho tàu cá đi đánh bắt tại vùng biển nước ngoài... Đồng thời, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm để tàu cá vi phạm; tăng cường kiểm soát bến cảng, quản lý nhà nước; xử lý nghiêm tàu cá không bật thiết bị giám sát hành trình..." - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo về chống khai thác IUU của Chính phủ trên cơ sở nâng cấp, kiện toàn từ Tổ công tác liên ngành 689 Trung ương, để chỉ đạo tập trung, thống nhất, hiệu quả từ Trung ương đến các địa phương ven biển, thiết lập được cơ chế phối hợp chặt chẽ, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả về công tác phòng, chống khai thác IUU.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, thời gian tới các địa phương cần có biện pháp xử lý quyết liệt như: rút giấy phép khai thác, không cấp giấy phép mới đối với các chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình. Cùng đó, tăng cường lực lượng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng và trên biển để xử lý nghiêm các tàu cá có hành vi khai thác IUU.

Đặc biệt, thu hồi tất cả các thiết bị MOVIMAR đã được lắp đặt trên các tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 24m và lắp đặt các thiết bị đã được thu hồi đó cho các tàu cá có chiều dài 24m trở lên trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn. Yêu cầu các chủ tàu hoặc thuyền trưởng của tàu cá đã được lắp đặt thiết bị MOVIMAR mở máy 24/24 giờ khi đi khai thác hải sản trên các vùng biển. Xử lý nghiêm đối với các tàu cá không mở máy theo quy định của pháp luật...

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng vốn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2021 của Bộ để xây dựng và triển khai Dự án thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn II (khoảng hơn 100 tỷ đồng); triển khai ngay trong Quý IV/2018 để giám sát hoạt động của tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 11864/VPCP-NN ngày 07/11/2017 về việc duy trì hoạt động “hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh”).

Các doanh nghiệp thu mua hải sản khai thác, đánh bắt bắt buộc các tàu cá phải nằm trong sự theo dõi và có số nhận dạng duy nhất toàn cầu. Ảnh minh họa: TTXVN

* Cần có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho thiết bị giám sát hành trình

Là địa phương ven biển có nhiều nỗ lực trong việc chống khai thác IUU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, với 9/15 huyện thị ven biển, toàn tỉnh có 10. 978 tàu thuyền khai thác. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung xây dựng các kế hoạch, thành lập tổ công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm và chưa được giải quyết triệt để.

Ông Mai Anh Nhịn cho rằng, việc xử lý các tàu cá vi phạm gặp nhiều khó khăn là do thuyền trưởng của tàu cá vi phạm thì bị bắt ở nước ngoài, còn chủ tàu lại ở nhà nhưng không vi phạm. Do đó, việc xử lý triệt để này gặp khó khăn. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về màu sơn của các loại tàu... Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm tàu cá. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, kiểm soát, thanh tra các vi phạm; xử lý được phương tiện khai thác trái phép khi về bờ; rút giấy phép khai thác, kiểm tra chặt chẽ tàu thuyền xuất bến...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để có thể triển khai một cách đồng bộ. Đồng thời, sớm ban hành các nghị định, thông tư dưới Luật; Bộ Công an hỗ trợ địa phương điều tra, xử lý các đối tượng môi giới khai thác trái phép tại nước ngoài...

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cũng cho rằng, cần nghiên cứu kỹ việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn để lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhằm kiểm soát tàu cá trên 24m hoạt động trên biển. Bên cạnh đó, cần đầu tư các cảng, bến neo đậu; Có cơ quan quản lý nhà nước tại cảng để giám sát tàu ra vào cảng. Đặc biệt, cần thống nhất lực lượng kiểm soát trên biển.

Đồng tình với ý kiến của tỉnh Quảng Ngãi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sắp tới Bộ sẽ cử đoàn công tác vào làm việc với tỉnh này để thống nhất chọn Quảng Ngãi làm thí điểm trong việc tăng cường quản lý nhà nước tại các cảng cá.

"Chúng ta cần coi sự kiện "thẻ vàng" là động lực để thay đổi nghề cá có trách nhiệm, bền vững. Từ đó, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng nghề cá, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm... nâng cao chất lượng, hình thành nghề khai thác thuỷ sản bền vững. Đồng thời, tiến đến xây dựng ngành kinh tế thuỷ sản phát triển bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục