Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Nghệ An đẩy mạnh hoạt động khai thác hải sản đúng quy định

18:08' - 24/08/2021
BNEWS Nhằm góp phần gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, ngành thủy sản Nghệ An đang tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động khai thác thủy, hải sản đúng quy định.

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (IUU). Nhằm góp phần gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, ngành thủy sản Nghệ An đang tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động khai thác thủy, hải sản đúng quy định.

Nghệ An là tỉnh có đội tàu khai thác lớn; trong đó, tàu trên 12m là 1.757 chiếc. Tại Nghệ An, tuy không có doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu trực tiếp vào thị trường châu Âu, song việc cảnh báo “thẻ vàng” cũng đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm giảm giá bán sản phẩm, giảm hiệu quả hoạt động khai thác, ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân.

Ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết, thực tế cho thấy, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU trên vùng biển Nghệ An và tình trạng tàu cá, ngư dân Nghệ An vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chưa đúng tiến độ (hiện còn 70 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình); hệ thống giám sát tàu cá, thiết bị giám sát hành trình còn chưa ổn định, thông suốt.

Tình trạng tàu cá không duy trì, mất kết nối thiết bị giám sát hành trình khi đang hoạt động trên biển, việc xử lý tàu mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng chưa đảm bảo tính chính xác; tỷ lệ giám sát trực tiếp chưa cao, việc kiểm tra tàu cá, giám sát sản lượng qua cảng có thời điểm chưa hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Chí Lương, để góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC, ngành thủy sản Nghệ An đã tập trung tuyên truyền Luật Thủy sản 2017, các quy định về khai thác IUU cho ngư dân và các tổ chức cá nhân có liên quan, hiểu rõ, nắm chắc và cam kết thực hiện quy định về chống khai thác IUU; Chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện ký cam kết của ngư dân.

Tỉnh tăng cường điều tra, xử lý, xử phạt nghiêm đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Các lực lượng liên quan phối hợp với các địa phương rà soát tàu cá, hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tổ chức khai thác, vận hành, sử dụng hệ thống theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển đúng quy định.

Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Nghệ An có 1.139 tàu cá trên 15m đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; hiện còn 70 tàu vẫn chưa lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định do một số tàu bán, bị chìm, giải bản nhưng chưa làm thủ tục xóa đăng ký, tài sản thế chấp đã bị ngân hàng thu giữ, thiết bị hỏng chưa thay thế…

Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản Nghệ An tăng cường phối hợp giữa các lực lượng trong hoạt động tuần tra, kiểm soát hoạt động nghề cá tại các cửa lạch, trên biển và kiên quyết xử lý nghiêm các tàu cá có hành vi vi phạm về khai thác IUU.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý 9 tàu cá (mỗi tàu bị phạt 25 triệu đồng) vì vi phạm về khai thác IUU và một tàu cá bị xử phạt 300 triệu đồng vì không lắp thiết bị giám sát hành trình. 

Ban quản lý cảng cá tổ chức giám sát 100% sản lượng thủy sản qua cảng theo quy định; các Tổ công tác Liên ngành kiểm tra tàu cá, sản lượng qua cảng theo Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chứng nhận nguồn gốc thủy sản; đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát sản lượng qua cảng được thực hiện theo chuỗi, có sự kiểm tra, đối chiếu dữ liệu giữa các bên liên quan và trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá, phục vụ truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định. 

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 129.644 tấn (đạt 55,18% so với kế hoạch); trong đó, sản lượng khai thác thủy sản trên biển đạt 95.040 tấn, bằng 55,9% so với kế hoạch năm (tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước); khai thác thủy sản nội đồng ước đạt 3.135 tấn, bằng 62,7% so với kế hoạch năm (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước).

Tuy sản lượng khai thác thủy hải sản trên biển và nội đồng đều tăng, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên ngành thủy sản Nghệ An vẫn gặp nhiều khó khăn như: chi phí đầu vào, xăng dầu tăng nên hiệu quả kinh tế của người dân không cao; nhiều huyện ven biển có thế mạnh về khai thác thủy hải sản trên biển như Quỳnh Lưu, Diễn Châu và thị xã Hoàng Mai đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch COVID-19 nên tàu thuyền về neo đậu, bốc dỡ hải sản đi tiêu thụ gặp nhiều khó khăn; việc đi lại, vận chuyển sản phẩm thủy hải sản đi tiêu thụ không kịp thời nên ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị của sản phẩm.

Để giải quyết một số khó khăn trên, Chi cục Thủy sản Nghệ An đã kiến nghị các cửa lạch trên địa bàn tỉnh Nghệ An tạo điều kiện để các đội tàu khai thác về có thể cập cảng để bốc dỡ, tiêu thụ thủy hải sản một cách kịp thời.

Sau khi dịch COVID-19 ổn định, chính quyền các cấp cần tăng cường tuyên truyền để ngư dân khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển, khai thác các vùng biển đúng quy định trong giấy phép.

Song song đó, nâng cao hiệu quả phối kết hợp trong thu mua sản phẩm một cách kịp thời để nâng cao giá trị; tăng cường kiểm tra giám sát để khắc phục gỡ “thẻ vàng” của EC./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục