Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Thanh Hóa tăng cường thanh tra, kiểm soát nghề cá

09:50' - 18/04/2018
BNEWS Tính đến đầu tháng 4/2018, các lực lượng chức năng đã chủ động xây dựng kế hoạch và thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển.
[03/04/2018 16:45:01] Chiều 3/4/2018, tại Hà Nội Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Họp báo Quý II năm 2018 để thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí về tình hình hoạt động của ngành nông nghiệp. Trong Quý I năm 2018, giá trị sản xuất Nông, lâm, thủy sản ước đạt 189,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tồng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ, mức tăng trưởng cao nhất trong 13 năm gần đây.

Trước quyết định giơ "thẻ vàng" của Liên minh châu Âu (EU) đối với ngành thủy sản Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đang đẩy mạnh hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 3 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại 3 cảng cá: Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), Lạch Hới (thành phố Sầm Sơn) và Lạch Bạng (huyện Tĩnh Gia) đồng thời ban hành quy chế hoạt động của các văn phòng đại diện.
Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng bao gồm lực lượng thủy sản (Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các cảng cá) và Bộ đội Biên phòng là cơ quan phối hợp. Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại 3 cảng sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá cập bến - xuất bến làm cơ sở để thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định.
Các văn phòng có nhiệm vụ thực hiện các biện pháp ngăn chặn, kiên quyết không cho tàu cá xuất bến đi khai thác khi không đủ giấy tờ, không đảm bảo các điều kiện an toàn cho người và tàu cá hoạt động, bảo đảm tuân thủ nghĩa vụ quốc tế cũng như bảo tồn và quản lý nguồn lợi gắn với kế hoạch quản lý nghề cá, kiểm soát cường lực khai thác hải sản, đảm bảo sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản.

Hiện nay, cán bộ của Văn phòng đại điện kiểm soát nghề cá Thanh Hóa đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân ghi chép thông tin đầy đủ, đúng yêu cầu trước khi xuất bến và khi đánh bắt trở về, từng bước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là thuyền trưởng, chủ tàu, cảng cá, doanh nghiệp chế biến thủy sản phải tuân thủ quy chế chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định của Ủy ban châu Âu.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn tối đa tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp, xâm lấn vùng biển nước ngoài, tỉnh Thanh Hóa tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước tới cán bộ và nhân dân các địa phương ven biển về: Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam – Trung Quốc; Chỉ thị số 3727 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động; Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa phối hợp với 3 địa phương ven biển là huyện Hậu Lộc, Tĩnh Gia và thành phố Sầm Sơn tổ chức 3 lớp tập huấn tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017, các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định cũng như các quy định về khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời tiến hành xây dựng, treo băng zôn tại các cảng cá, bến cá; phát gần 10.000 tờ rơi, in 300 bộ tài liệu về IUU.
Tính đến đầu tháng 4/2018, các lực lượng chức năng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát đường thủy đã chủ động xây dựng kế hoạch và thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển.

Ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản trên các vùng cửa sông, vùng nội thủy, vùng biển tỉnh Thanh Hóa.

Đến đầu tháng 4/2018 đã kiểm tra 267 phương tiện, nhắc nhở 122 phương tiện và xử lý vi phạm hành chính 40 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt là 136 triệu đồng. Riêng việc xâm lấn, khai thác bất hợp pháp ở vùng cấm, Thanh Hóa chưa ghi nhận tàu cá nào vi phạm Hiệp định nghề cá Việt Nam - Trung Quốc.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cũng yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản cũng như lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định, bật thiết bị 24/24 giờ và kết nối với trạm bờ của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa. Đồng thời triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu nghề các theo hướng tích hợp các thông tin về tàu thuyền, hoạt động khai thác, lao động, đăng ký, cấp phép tàu cá tại địa phương.
Tuy nhiên, việc triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định ở Thanh Hóa vẫn còn gặp không ít khó khăn do nhiều ngư dân còn chưa hiểu biết đầy đủ về Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, Luật Biển, Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Một số các chủ tàu đi khai thác ở ngư trường xa, hoạt động trên biển dài ngày, ít khi về đất liền nên không có điều kiện để tiếp cận thông tin ở cơ sở, địa phương và tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền. Nhiều chủ tàu, thuyền trưởng chưa chấp hành việc ghi nộp sổ nhật ký khai thác thủy sản theo quy định.
Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của ngư dân còn hạn chế, một số ngư dân vì lợi ích kinh tế trước mắt còn vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản như sử dụng xung diện, khai thác sai vùng...

Ngoài ra, một khó khăn nữa là kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển còn mỏng, trong khi hoạt động khai thác của các tàu cá ở Thanh Hóa phân bố rộng trên các vùng biển, cửa lạch, bãi ngang... cán bộ ở các cảng cá chưa được đào tạo, tập huấn về xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản.

Bà Hoàng Thị Yến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp Thanh Hóa sẽ tiếp tục tập huấn, tuyên truyền phổ biến đến ngư dân, chủ tàu về Luật Thủy sản 2017 cũng như các văn bản pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đảm bảo cho người, tàu cá hoạt động trên biển, đồng thời triển khai kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025.
Ngành nông nghiệp Thanh Hóa cũng phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các đối tượng móc nối với nước ngoài để đưa ngư dân Thanh Hóa sang đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Hiện tỉnh Thanh Hóa đang tích cực hướng dẫn các địa phương củng cố và phát triển các tổ đoàn kết trên biển. Các tổ đoàn kết trên biển hoạt động hiệu quả sẽ phát huy được sức mạnh tập thể trong khai thác hải sản, cứu hộ, cứu trợ lẫn nhau, giúp đỡ chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên yên tâm vươn khơi bám biển sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục