Khắc phục thẻ vàng về IUU: Cần sự nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng nghề cá bền vững

20:19' - 14/06/2018
BNEWS Việc tháo gỡ thẻ vàng vẫn cần sự nỗ lực hơn nữa của các bên liên quan trong thực thi các chính sách, quy định đã đặt ra.
Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Đồ hộp Hạ Long-Đà Nẵng. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN
Sau gần 8 tháng kể từ khi Uỷ ban Châu Âu (EC) ra cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam liên quan đến vấn đề chống khai thác thuỷ hải sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU), xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đã ít nhiều bị ảnh hưởng. Việc tháo gỡ thẻ vàng hiện đang được các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và các địa phương thực hiện, tuy nhiên vẫn cần sự nỗ lực hơn nữa của các bên liên quan trong thực thi các chính sách, quy định đã đặt ra.

* Gặp khó ở khâu nguyên liệu

Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến, vấn đề khó khăn nhất hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp hải sản là thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất.

Đơn cử như tại Công ty TNHH Thuỷ hải sản Vĩnh Thuận Sài Gòn, nếu như 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp này chỉ thiếu hụt khoảng 30-40% nguồn nguyên liệu cho chế biến thì đến nay, con số này đã lên tới 70-80%.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Ngọc Tươi - Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ hải sản Vĩnh Thuận Sài Gòn cho biết, hiện nay doanh nghiệp có hợp đồng nhưng không có sản phẩm để giao, do thiếu nguyên liệu sản xuất. Trong vài tháng gần đây, tính ra số công nhân làm việc chỉ được 10 ngày/tháng, buộc doanh nghiệp phải bù lương liên tục. Doanh nghiệp buộc phải mời đối tác (đến từ Pháp) sang Việt Nam làm việc và chứng thực khó khăn này.

Tình trạng trên không chỉ diễn ra ở Vĩnh Thuận mà hầu hết các doanh nghiệp hải sản đều gặp vấn đề về thiếu hụt nguyên liệu sản xuất. Để ứng phó với tình trạng này, một số doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu nguyên liệu từ Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Thái Lan… để phục vụ cho nhu cầu chế biến của nhà máy.

Tuy nhiên, theo một doanh nghiệp chế biến hải sản, việc nhập khẩu nguyên liệu thường có chất lượng không theo yêu cầu. Bên cạnh đó, đa số khách hàng lại ưa thích sản phẩm được sản xuất ở vùng biển Việt Nam nên doanh nghiệp đành để “lỡ” hợp đồng.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), kiêm Chủ tịch Uỷ ban Hải sản của VASEP cho biết, vấn đề thiếu nguyên liệu đang xảy ra ở nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản, song nguyên nhân chính vẫn là do yếu tố mùa vụ. Thông thường, mùa vụ khai thác hải sản chính bắt đầu từ tháng 4-5 trở đi nên việc thiếu hụt vừa qua là điều khó tránh khỏi. Một thực tế đáng báo động hiện nay là nguồn lợi khai thác thuỷ hải sản gần bờ ở Việt Nam hiện đã cạn kiệt cũng khiến nguồn nguyên liệu khan hiếm.

Tồn tại lớn nhất hiện nay là chúng ta đang giao thị trường nguyên liệu cho các nậu vựa nắm giữ. Trong khi đó, các nậu vựa này lại chủ yếu bán nguyên liệu cho các doanh nghiệp, thương lái Trung Quốc. Điều này dẫn đến nghịch lý là hàng trong nước thì xuất đi, mà doanh nghiệp trong nước lại phải đi nhập nguyên liệu về chế biến - bà Sắc chia sẻ thêm.

Tuy vậy, xét trên bình diện chung, xuất khẩu các mặt hải sản của Việt Nam từ đầu năm đến nay đều có sự tăng trưởng khá tốt. Dĩ nhiên, ngoại trừ thị trường EU sụt giảm đáng kể, do ảnh hưởng của thẻ vàng về IUU. Bên cạnh đó, ngay sau khi bị thẻ vàng, một số quy định hay hệ thống dữ liệu, quản trị của Việt Nam phải thay đổi để đáp ứng các yêu cầu của EU nên cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của doanh nghiệp ở thị trường này.

Số liệu của VASEP cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, ngoại trừ mặt hàng cá biển và cua ghẹ thì các mặt hàng hải sản khác xuất khẩu sang EU hầu như đều sụt giảm. Cụ thể, xuất khẩu mực - bạch tuộc sang EU giảm đến 20% so với cùng kỳ; xuất khẩu cá ngừ cũng giảm 4%...

*Cần sự nỗ lực hơn nữa

Để giữ vững xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang thị trường EU, doanh nghiệp chế biến đang nỗ lực tận dụng cơ hội khá triệt để.

Theo ghi nhận của VASEP từ các doanh nghiệp, do nguồn nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu từ trong nước không nhiều, chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu nên thời gian qua doanh nghiệp Việt Nam vẫn đẩy mạnh được xuất khẩu cá ngừ sang EU. Việc sử dụng cá ngừ nguyên liệu nhập khẩu đạt quy chuẩn từ các tàu khai thác quốc tế giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc hoàn tất bộ chứng từ theo yêu cầu của EU về IUU.

Mặt khác, do đầu năm EU vẫn áp dụng hạn ngạch miễn thuế nhập khẩu cho 25.000 tấn thăn/philê cá ngừ hấp chín từ các nước thứ 3 – không có thỏa thuận thương mại với EU như Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc… Đây là cơ hội mà các doanh nghiệp Việt đang tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ trên vào thị trường này.

Các nhà nhập khẩu EU thì cho rằng, việc cảnh báo thẻ đỏ với Việt Nam sẽ không diễn ra ngay lập tức. Do vậy, tình trạng IUU sẽ không làm thay đổi về hoạt động thương mại giữa các nước EU và Việt Nam. Tuy nhiên, việc cảnh báo có thể làm tăng nguy cơ các lô hàng bị trả về nếu doanh nghiệp không chứng minh được tính minh bạch về nguồn gốc khai thác của lô hàng. Đồng thời, các lô hàng của Việt Nam khi xuất sang sẽ tốn thêm chi phí và thời gian để kiểm tra về nguồn gốc.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, qua đợt khảo sát của Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản (DG-MARE) của Ủy ban Châu Âu (EC) tại các tỉnh ven biển Việt Nam vào tháng 5 vừa qua, Đoàn công tác ghi nhận những công việc mà Chính phủ Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và địa phương đang thực hiện trong việc nỗ lực khắc phục thẻ vàng. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách, quy định vẫn cần sự nỗ lực hơn nữa.

Đến tháng 1/2019, DG-MARE sẽ tiếp tục sang khảo sát, làm việc để đánh giá lại việc khắc phục thẻ vàng của Việt Nam đã triển khai trong thời gian qua. Hiện cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan vẫn đang tiếp tục thực thi chính sách, quy định của Nhà nước trong việc tháo gỡ thẻ vàng.

Về phía doanh nghiệp, bà Sắc cho rằng, với kinh nghiệm từng xuất khẩu sang những thị trường khó tính nhất thì không có trở ngại đối với các doanh nghiệp trong việc thực thi được những yêu cầu này. Tuy nhiên, đối với các yêu cầu mới, họ vẫn cần thời gian để thích nghi. Với sự đồng hành của VASEP và sự hỗ trợ của Nhà nước, những vướng mắc về vấn đề lấy nhật ký khai thác, chứng nhận khai thác… mà doanh nghiệp đã đề cập trước đó sẽ sớm được tháo gỡ trong thời gian tới.

Theo quy định mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý cảng cá sẽ được giao nhiệm vụ cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản. Tuy nhiên, một số Cảng cá tại một số địa phương lại không có đủ nhân lực cũng như trang thiết bị hỗ trợ nên việc quản lý còn nhiều khó khăn.

Do vậy, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi UBND các tỉnh để có chỉ đạo và hỗ trợ cho các Cảng phục vụ cho thực hiện xác nhận nguyên liệu thủy sản; đồng thời, có hướng dẫn cụ thể về việc đăng ký, kiểm tra, xác nhận nguyên liệu tại các khu vực địa phương hoặc không có cảng cá hoặc không có Ban quản lý cảng cá.

Đại diện VASEP cũng kiến nghị Nhà nước cần có sự đầu tư hơn nữa đối với các Cảng cá, các cơ sở hậu cần nghề cá, hệ thống dữ liệu quốc gia về nghề cá… Bởi đây là những yếu tố quan trọng để đưa Việt Nam sớm thoát khỏi thẻ vàng của EU cũng như hướng đến phát triển nghề cá bền vững trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục