Khắc phục thiếu hụt lao động khi ca mắc COVID-19 tăng cao

14:12' - 10/03/2022
BNEWS Từ tháng 2 đến nay, số ca mắc COVID-19 là công nhân đang tăng cao, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực.

Động viên công nhân là F0 sớm trở lại làm việc sau khi điều trị khỏi; liên tục tuyển lao động mới; người lao động tiếp xúc với F0 nếu xét nghiệm 2 lần âm tính thì đủ điều kiện làm việc tại các doanh nghiệp; tăng cường rà soát các điều kiện, tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly F0 tại nhà… là những giải pháp được nhiều doanh nghiệp, địa phương áp dụng trong bối cảnh thiếu hụt lao động do ca mắc COVID-19 tăng cao.

Bố trí phù hợp

Gần 1 tháng qua, chị Nguyễn Thị Hương (ở Hoàng Mai, Hà Nội) giám đốc một công ty về vật liệu xây dựng ở Hai Bà Trưng, Hà Nội gần như phải nghỉ làm liên tục vì cách ly F1, F0.

Chị cho biết, khi con trai trong nhà là F0, chị phải nghỉ 7 ngày theo quy định là F1. Sau khi đi làm được 3 ngày thì đến chồng là F0, chị lại phải nghỉ.

 

“Sau đó tôi cũng xuất hiệu triệu chứng mắc COVID-19. Kết quả test nhanh và PCR đều dương tính nên phải cách ly y tế tại nhà. 10 ngày nay tôi phải điều hành công ty từ xa. Làm việc online ở nhà nhưng rất sốt ruột vì công việc của tôi ở công ty thì không ai thay thế được. Trong khi đó, 4 ngày nay tôi đã test COVID-19 thì kết quả âm tính và thấy cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh”, chị Hương cho hay.

Cũng theo chị Nguyễn Thị Hương, công ty chị có 24 nhân viên nhưng thời gian qua đã quá nửa lần lượt mắc COVID-19 hoặc đang là F1 phải cách ly y tế.

Song những lao động này cũng “sau vài ngày test COVID-19 thì kết quả âm tính và thấy cơ thể khỏe mạnh” mà vẫn phải cách ly ở nhà, trong khi công ty đang thiếu lao động.

“Công ty và bản thân những người này đều cũng mong muốn được đi làm sớm”, chị Nguyễn Thị Hương cho hay.

Không riêng chị Nguyễn Thị Hương, nhiều cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp ở Hà Nội thời gian gần đây liên tục có người lao động thông báo là F0 xin nghỉ, có doanh nghiệp phải tạm đóng cửa vì công nhân lây nhiễm hàng loạt.

Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nội, ông Lê Quang Long cho hay: Từ tháng 2 đến nay, số ca mắc COVID-19 là công nhân đang tăng cao, tuy nhiên về cơ bản các doanh nghiệp vẫn đảm bảo sản xuất. Các công ty đã nắm được việc F0 tăng nhanh, từ đó chủ động đưa ra giải pháp, tiết kiệm chi phí so với mô hình "3 tại chỗ", "2 điểm đến 1 cung đường".

"Khi doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ cụ thể, ban quản lý sẵn sàng hỗ trợ", ông Lê Quang Long nói và cho rằng, nên cho các F1 đi làm bởi F1 đi làm sẽ giải quyết việc thiếu hụt lao động hiện nay.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Số lượng người lao động là F0 tăng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới sản xuất. Nhưng F0 khỏi bệnh nhanh chỉ trong 5 - 7 ngày mà tuyển dụng sẽ dẫn đến dư thừa lực lượng lao động.

Cũng theo ông Vũ Quang Thành: đa số người dân đã được tiêm 3 mũi vaccine nên thời gian khỏi bệnh nhanh, chỉ trong 5-7 ngày nên doanh nghiệp phải chủ động bố trí lực lượng sản xuất phù hợp.

Chia sẻ về đề xuất của Bộ Y tế cho F0, F1 đang cách ly đi làm, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố ủng hộ đề xuất F1 đi làm.

Theo đó, sự thiếu hụt lao động tại Hà Nội không nóng như các tỉnh phía Nam hay một số tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Tuy nhiên, hiện Hà Nội, số F0 trong các đơn vị, doanh nghiệp khá lớn. Do vậy, nếu lao động nghỉ nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.

“Đối với F1 thì nên cho đi làm. Đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp thiếu hụt nhiều lao động. Trong bối cảnh gia tăng F0 nhiều như hiện nay nếu không có phương án phù hợp sẽ dẫn đến việc thiếu lao động trầm trọng", ông Dân nhấn mạnh và cho biết, cơ quan có thẩm quyền nên đưa ra chủ trương chung, còn cơ quan, doanh nghiệp sẽ căn cứ quy mô, phương án sản xuất để quyết định cụ thể.

Khắc phục thiếu hụt lao động

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sakurai Việt Nam (Khu công nghiệp Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa) hiện có hơn 1,2 vạn lao động. Từ tháng 2/2022, có thời điểm thống kê số trường hợp lao động tại Công ty là F0 và F1 lên đến 8.000 người.

Để hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan, Công ty đã cho người lao động là F0, F1 cách ly tại nhà và vẫn được hưởng mọi chế độ tiền lương, thưởng.

Tuy nhiên, do lượng người nghỉ quá nhiều, doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, có thời điểm phải hoạt động cầm chừng chờ công nhân khỏi bệnh đi làm trở lại.

Đến nay, hơn 6.000 công nhân đã đi làm trở lại, khoảng 6.000 người đang nghỉ ở nhà. Dự kiến đến giữa tháng 3/2022, sau khi khỏi bệnh, toàn bộ công nhân sẽ đi làm bình thường.

Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sakurai Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Quang cho biết: Do nhiều lao động mắc COVID-19 phải tạm thời nghỉ việc nên có những thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất.

Bên cạnh đó, nhiều công nhân khi khỏi bệnh, quay trở lại làm việc năng suất cũng chưa đạt hiệu quả như trước đó. Tình hình này đã ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, tỉnh có khoảng 23 vạn lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó hàng chục doanh nghiệp có trên 1.000 lao động và một số doanh nghiệp có tới hàng vạn lao động. Từ tháng 2 đến nay, nhiều doanh nghiệp ở Thanh Hóa đối diện với vấn đề thiếu lao động do số ca mắc COVID-19 tăng cao.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp có trên 10.000 lao động thì tới quá nửa phải nghỉ việc, cách ly ở nhà. Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất, thậm chí có thời điểm, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi sản xuất, không đảm bảo đơn hàng theo kế hoạch đề ra.

Cũng theo Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI có đông lao động sớm khôi phục sản xuất, ổn định việc làm cho đội ngũ công nhân trên địa bàn, Liên đoàn Lao động tỉnh đã gửi công văn đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh xem xét, ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền các địa phương thống nhất việc xác định người lao động tiếp xúc với F0 theo hướng: Nếu xét nghiệm 2 lần âm tính thì đủ điều kiện làm việc tại các doanh nghiệp…

Cũng như Thanh Hóa, số ca mắc COVID-19 trong công nhân, người lao động gần đây cũng tăng cao tại nhiều địa phương ở tỉnh Bắc Giang.

Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh thiếu hụt lao động, gây khó khăn cho sản xuất. Như tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hosiden Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu) chuyên sản xuất linh kiện điện tử, hiện nhiều công nhân của công ty phải tạm nghỉ việc do ảnh hưởng từ đại dịch.

Chỉ tính riêng bộ phận sản xuất của doanh nghiệp, có khoảng 40% công nhân phải tạm thời nghỉ việc do mắc COVID-19 và là F1 phải cách ly y tế. Để đáp ứng yêu cầu đơn hàng, trước mắt doanh nghiệp này tập trung tuyển dụng lao động mới và tăng ca sản xuất.

Doanh nghiệp cũng đã đề nghị tỉnh có giải pháp gỡ khó về lao động, cho phép người lao động đi làm ngay khi có kết quả xét nghiệm âm tính mà không cần theo dõi sức khỏe trong 7 ngày sau đó.

Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho thấy, việc người lao động là F0 sau khi điều trị khỏi vẫn phải tiếp tục theo dõi sức khỏe 7 ngày tại nhà đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Do đó, sau khi lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo tháo gỡ ngay những bất cập; yêu cầu Sở Y tế ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện đúng quy định về kết thúc cách ly, điều trị F0. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly, điều trị với người quản lý, chăm sóc tại nhà.

Trong đó lưu ý các F0 điều trị tại nhà khi đủ tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly, điều trị thì không phải tự theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày. Tăng cường rà soát các điều kiện, tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly F0 tại nhà; đẩy nhanh việc cấp mã ca bệnh để F0 kết thúc cách ly tại nhà/ra viện ngay khi đủ tiêu chuẩn.

Trước vấn đề thiếu hụt lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng cho biết, điều đáng mừng là từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, số lao động quay trở lại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố tương đối cao. Cùng với đó là thị trường lao động phục hồi tương đối nhanh so với yêu cầu.

Tuy nhiên số lao động bị F0 tăng nhanh, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất là vấn đề cần lưu tâm. Ngoài ra, do ảnh hưởng của giãn cách xã hội thời gian vừa qua, nên đặc trưng của năm nay rất khác so với mọi năm, đó là tình trạng lao động nhảy việc.

"Đa số doanh nghiệp giữ mức lương cơ bản và giữ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Các doanh nghiệp đều đưa ra các lời mời, các tiêu chí, lợi ích rất lớn để giành giật lao động. Cho nên nhảy việc từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác diễn ra rất mạnh. Vì vậy dẫn đến tình trạng thiếu lao động cục bộ, tạm thời", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết./.

>>>Tình trạng thiếu lao động trên toàn cầu có thể trầm trọng hơn sau đại dịch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục