Khai mạc Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

11:15' - 14/06/2021
BNEWS Sáng 14/6, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 57.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Phiên họp xem xét, cho ý kiến về các nội dung gồm: Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo tổng kết bước đầu cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc vào ngày 20/7).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung đề hoàn thiện các báo cáo tờ trình Quốc hội gồm: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tài chính, ngân sách 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.

Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vương quốc Campuchia và việc kiện toàn thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Phiên họp thứ 57 dự kiến kéo dài đến ngày 15/6.

*Bổ sung thêm một số nội dung trong Báo cáo tổng kết Bầu cử

Tiếp theo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường đã đọc báo cáo tổng kết bước đầu cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo; đồng thời cho biết, trong chuẩn bị cho cuộc bầu cử vừa qua có hoạt động bồi dưỡng kỹ năng vận động bầu cử cho các ứng cử viên tham gia lần đầu.

Ủy ban Dân tộc đã tổ chức bồi dưỡng kỹ năng vận động tranh cử cho các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số tham gia lần đầu. Các ứng cử viên tham gia thấy rất bổ ích, hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng các ứng cử viên trước khi đi vận động. Do đó, báo cáo cần bổ sung nội dung này.

Ông Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, kết quả danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội cho thấy, ứng cử viên là người dân tộc thiểu số trúng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp với tỷ lệ cao.

Đây là kết quả đáng hoan nghênh. Điểm nổi bật là trong danh sách đại biểu Quốc hội khóa XV có hai dân tộc thiểu số rất ít người lần đầu tiên trúng cử đại biểu Quốc hội là dân tộc Lự và dân tộc Brâu.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng, điểm sáng của cuộc bầu cử lần này là lần đầu tiên kể từ khi Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (Khóa 6, 1976-1981) đến nay, Quốc hội có tỷ lệ nữ đại biểu cao trên 30%.

So sánh với thế giới về tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ trước cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, Việt Nam đứng 71 trên thế giới, đứng thứ 9 của châu Á và thứ 4 trong các nước trong AIPA (Liên minh Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á).

Sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam hiện đứng thứ 51 (lên 20 bậc); từ đứng thứ 4 đã vươn lên đứng đầu trong AIPA; ở châu Á, từ thứ 9 đã vươn lên đứng thứ 4. So với thế giới, Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc. Do đó, nội dung này cần bổ sung vào trong báo cáo.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu tại Phiên họp; đồng thời cho rằng, cần nhấn mạnh những điểm sáng, đó là kết quả lần đầu tiên đã đạt được như: lần đầu tiên Quốc hội có đại diện hai dân tộc thiểu số rất ít người tham gia; lần đầu tiên có tỷ lệ đi bầu cao. Từ Quốc hội Khóa 6 đến nay có tỷ lệ nữ đại biểu cao nhất (có so sánh tương quan với khu vực và thế giới).

Tại cuộc bầu cử lần này, lần đầu tiên cử tri trên đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa) đi bầu cùng thời điểm với cử tri cả nước. Lần đầu tiên ứng cử viên tiếp xúc cử tri bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đây là kinh nghiệm tốt không chỉ áp dụng trong điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt mà còn có thể áp dụng cho cả tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội…

Trong đợt bầu cử lần này, tỷ lệ đơn từ khiếu nại tố cáo chỉ bằng khoảng 18% so với đợt bầu cử trước, chủ yếu ở xã, phường, thị trấn, thị tứ. Đơn từ khiếu nại tố cáo liên quan đến phẩm chất cá nhân đại biểu cũng ít, chủ yếu khiếu nại liên quan đến đất đai, tài nguyên môi trường. Kết quả này là hiệu ứng thành công tiếp theo sau Đại hội XIII của Đảng, đó là công tác nhân sự đã được chuẩn bị tốt.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong báo cáo nhấn mạnh thêm sự đóng góp của các lực lượng trên tuyến đầu như: y tế, quân đội, công an, cấp ủy, chính quyền cơ sở, dân quân tự vệ… Cùng với đó là công tác ứng dụng công nghệ thông tin, sự chỉ đạo, lãnh đạo, sâu sát thường xuyên của các cơ quan hữu quan.

Báo cáo cần đánh giá thêm về công tác thông tin, truyền thông, trong đó các cơ quan thông tấn, báo chí đã đưa tin khách quan, chính xác, bám sát thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt, tạo không khí sôi nổi dịp bầu cử…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong 2021.

Cuộc bầu cử được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, công phu, diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư với phạm vi rộng hơn, lây lan nhanh hơn, có chủng mới với động lực nguy hiểm hơn. Tuy vậy, chúng ta đã vượt qua mọi trở ngại, khó khăn và tổ chức cuộc bầu cử thành công rất tốt đẹp về mọi mặt.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; cảm ơn Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân và cử tri cả nước đã phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, chung sức, đồng lòng để vượt qua mọi khó khăn thách thức làm nên cuộc bầu cử thành công rất tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong dư luận trong và ngoài nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục