Khai trương ngân hàng Hồi giáo lớn nhất Indonesia

07:21' - 02/02/2021
BNEWS Chính phủ Indonesia từ lâu đã theo đuổi ý tưởng hợp nhất các ngân hàng Hồi giáo thuộc sở hữu nhà nước với mục đích tạo ra một ngân hàng Hồi giáo mạnh hơn.

Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) vừa chính thức khai trương Ngân hàng Syariah Indonesia (BSI) thuộc sở hữu của nhà nước với tổng giá trị tài sản 240.000 tỷ rupiah (17 tỷ USD), đứng thứ bảy trong số các ngân hàng Indonesia về tổng giá trị tài sản.

Phát biểu tại buổi lễ được tổ chức trực tuyến tại Phủ Tổng thống ở Jakarta, Tổng thống Jokowi nhấn mạnh sự kiện này là ngày lịch sử đối với sự phát triển của nền kinh tế Hồi giáo Indonesia.

Ông Jokowi cho rằng việc Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về phát triển kinh tế Hồi giáo là điều hợp lý.

Với hơn 1.200 chi nhánh và hơn 20.000 nhân viên, BSI hiện là ngân hàng Hồi giáo lớn nhất của Indonesia và được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba ngân hàng Hồi giáo của ba ngân hàng quốc doanh gồm PT Bank BRIsyariah (BRIS), PT Bank Syariah Mandiri (BSM) và PT Bank BNI Syariah (BNIS).

Cũng phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc BSI, ông Hery Gunardi tuyên bố sẵn sàng đưa ngân hàng này lọt vào top 10 ngân hàng Hồi giáo của thế giới về giá trị vốn hóa thị trường trong 5 năm tới.

Ông Hery cho hay: “Chúng tôi nhận thức rằng nhiệm vụ của mình không chỉ là hợp nhất các ngân hàng mà còn tiến hành chuyển đổi” dưới hình thức cải tiến quy trình kinh doanh, tăng cường quản lý rủi ro, phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số.

Trước đó hôm 16/12, ông Hery cho biết, BSI sẽ tập trung vào hoạt động kinh doanh ngân hàng bán buôn trong lĩnh vực tài chính Hồi giáo, trong đó có việc khai thác tiềm năng của thị trường trái phiếu Hồi giáo (Sukuk) toàn cầu tại khu vực Trung Đông và mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Dubai thuộc Các tiểu Arập thống nhất (UAE) trong năm 2021.

Ngân hàng Syariah Indonesia sẽ vẫn duy trì tư cách công ty đại chúng và được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Indonesia. Các cổ đông của Ngân hàng Syariah Indonesia bao gồm Ngân hàng PT Bank Mandiri (chiếm 51,2% cổ phần), PT Bank Negara Indonesia (25%), PT Bank Rakyat Indonesia (17,4%), quỹ hưu trí BRI Syariah (2%) và các nhà đầu tư cá nhân (4,4%).

Chính phủ Indonesia từ lâu đã theo đuổi ý tưởng hợp nhất các ngân hàng Hồi giáo thuộc sở hữu nhà nước với mục đích tạo ra một ngân hàng Hồi giáo mạnh hơn nhằm cung cấp nhiều vốn hơn cho quá trình phục hồi kinh tế quốc gia và giúp cải thiện ngành tài chính Hồi giáo.

Mặc dù là một quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, Indonesia đã phải vật lộn để thúc đẩy ngành tài chính Hồi giáo vốn đang tụt hậu so với quốc gia láng giềng Malaysia. Theo Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (Otoritas Jasa Keuangan-OJK), tổng tài sản của ngành tài chính Hồi giáo Indonesia đạt 1.630.000 tỷ rupiah tính đến tháng 7/2020, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 9,68% thị phần tài chính quốc gia.

Theo nhà kinh tế cao cấp Aviliani thuộc Viện nghiên cứu phát triển kinh tế và tài chính (Indef), việc thành lập một ngân hàng Hồi giáo lớn ở Indonesia là cần thiết nhằm thu hút tài trợ từ các quốc gia Hồi giáo khác, đặc biệt là các quốc gia Trung Đông. Bà Aviliani đánh giá rằng kế hoạch sáp nhập này cũng có thể giúp củng cố hệ thống kinh tế quốc gia vì hệ thống tài chính Hồi giáo đã được chứng minh là linh hoạt hơn, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng./.

>>Indonesia ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thân thiện với môi trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục