Khan hiếm nguồn cát "cản" tiến độ cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long

17:12' - 09/11/2023
BNEWS Nếu không sớm hoàn thành các thủ tục cấp phép, bàn giao mỏ, trữ lượng cát theo nhu cầu sẽ ảnh hưởng đến tiến độ về đích của các dự án cao tốc Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều nhà thầu xây lắp các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long rất "sốt ruột" về tiến độ dự án khi nhiều hạng mục phải chờ cát đắp nền. Mặc dù, các cấp, ngành Trung ương và địa phương đang nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn này nhưng, nếu không sớm hoàn thành các thủ tục cấp phép, bàn giao mỏ, trữ lượng cát theo nhu cầu sẽ ảnh hưởng đến tiến độ về đích của các dự án. 

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km được triển khai từ ngày 17/6/2023, sau gần 5 tháng, nhà thầu đang tập trung chủ yếu làm đường công vụ, các vị trí cầu, cống. Riêng phần đường phần lớn mới dừng lại ở việc đắp đê bao, cào bóc đất hữu cơ. 

 Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Giám đốc Ban điều hành -Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) thi công gói thầu số 11 thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng cho hay, mặt bằng của gói thầu đã cơ bản được tỉnh Sóc Trăng bàn giao nhưng trở ngại lớn nhất hiện vẫn là khan hiếm nguồn cát nên nhà thầu không thể đẩy nhanh tiến độ thi công. Cả gói thầu số 11 cần khoảng 1,5 triệu m3 cát đắp; trong đó riêng phân đoạn Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cần khoảng 1,1 triệu m3 cát đắp. 

"Vì vậy, đề nghị các cấp địa phương của tỉnh Sóc Trăng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện phân bổ nguồn cát tại các mỏ trên địa bàn và lân cận cho dự án, nhà thầu cam kết sẽ thúc tiến độ thi công trên công trường, trước mắt nhà thầu sẽ tập trung vào thi công cầu, cống trên tuyến", ông Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh. 

 Theo tính toán, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn tuyến qua tỉnh Sóc Trăng (dự án thành phần 4) cần khoảng 8 triệu m3. Phương án tỉnh Sóc Trăng đưa ra là huy động lượng cát đắp trong các năm 2023 là 1,5 triệu m3, năm 2024 là 4 triệu m3, năm 2025 là 2 triệu m3 và năm 2026 khoảng 0,5 triệu m3.

Để giải quyết khó khăn thiếu cát đắp nền dự án thành phần 4, tỉnh Sóc Trăng đang xem xét bổ sung 7 mỏ cát vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng tính toán cho phép sử dụng nguồn cát thương mại. Theo đó, trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục liên quan đến mỏ cát (dự kiến cuối năm 2023), Sóc Trăng xem xét cho phép nhà thầu được sử dụng cát thương mại từ các nguồn hợp pháp trên thị trường với khối lượng dự kiến sử dụng 77 nghìn m3.

 Tại dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài 110 km (bao gồm 2 dự án thành phần là Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau), theo tính toán, dự án này cần 18,1 triệu m3 cát.

Các nhà thầu thi công dự án này cho hay, sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương, tình hình cung cấp cát đã được cải thiện khi các nhà thầu được giao thêm các mỏ cát. Tuy nhiên, các nhà thầu kiến nghị các cơ quan hữu trách có biện pháp ổn định lâu dài nguồn cung cát đắp nền, tạo điều kiện cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Ông Nguyễn Như Tạ Kiếm, đại diện Tổng công ty 36 thi công phần tuyến từ Km15+950 – Km23+060, dự án thành phần cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang cho hay, hiện nay nhà thầu được phân bổ thêm 40.000m3 cát từ mỏ Tấn Thắng (An Giang), tuy nhiên mỏ chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ thủ tục pháp lý. Mới đây, nhà thầu cũng được chủ đầu tư phân bổ thêm 110.000m3 từ mỏ Vạn Hưng Tùng (An Giang), nhà thầu đã ký hợp đồng được cấp 40.000m3 với mỏ nhưng mới chỉ lấy được 25.000m3 trong năm 2023. 

"Vật liệu sử dụng cho dự án là khá lớn, trong khi nguồn cung trong khu vực khan hiếm. Vì vậy, đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ nhà thầu làm việc với UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long... cấp phép cho các mỏ cát đang khai thác cung cấp vật liệu cát dự án", đại diện Tổng công ty 36 đề xuất. 

 Chia sẻ về tiến độ trên công trường, ông Nguyễn Như Tạ Kiếm cho hay, riêng phần đường do thiếu vật liệu cát đắp nên nhà thầu chưa triển khai được xử lý nền bằng bấc thấm và cọc CDM (xi măng đất). Trong điều kiện khó khăn về nguồn vật liệu cát, nhà thầu đang tập trung nguồn cát đắp đường gom, đường công vụ, phấn đấu hoàn thành trong tháng 11. Đẩy mạnh thi công các cầu trên tuyến, triển khai sản xuất dầm tại chỗ và tại nhà máy từ cuối tháng 11/2023, đủ điều kiện để lao lắp từ tháng 12/2023. 

Trong khi đó, ông Lê Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) cho biết, nhu cầu vật liệu cát cho các gói thầu đơn vị phụ trách tại cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng 1,6 triệu m3. CC1 nhận mỏ cát từ tỉnh Đồng Tháp với trữ lượng khoảng 545.000m3 cát, đã khai thác 60.000m3 cát. Lượng cát đưa về công trường đã được nhà thầu sử dụng để đắp cho tuyến chính và đường công vụ. 

Theo ông Lê Tuấn Anh, một trong những vấn đề nhà thầu gặp khó hiện nay đó là công suất khai thác tại mỏ được bàn giao và xác định giá vật liệu. Để đảm bảo tiến độ, công suất khai thác mỏ từ 3.000 - 4.000m3/ngày mới có thể đáp ứng. Tuy nhiên, hiện nay công suất khai thác tại mỏ cát tối đa chỉ 40.000m3/tháng. Cùng với đó, nhà thầu đang gặp khó trong việc xác định giá theo cơ chế đặc thù. Vì vậy, nhà thầu đề nghị các địa phương, quan tâm hỗ trợ giải quyết vướng mắc trên cũng như đẩy nhanh các thủ tục cấp mỏ mới. 

 Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - đơn vị đứng đầu liên danh nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và một số gói thầu tại các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long nhìn nhận, để dự án đạt tiến độ theo hợp đồng, ngoài mặt bằng thi công, khâu giải quyết nguồn cung vật liệu cát đắp nền đường là yêu cầu ưu tiên số một. Vì nếu không có nguồn cát đắp thì không thể thi công xử lý nền đất yếu trên tuyến, kéo theo đó là thời gian gia tải… sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình, ảnh hưởng đến kế hoạch thi công của nhà thầu. 

"Nhu cầu cát phục vụ thi công rất lớn, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải chia sẻ, quan tâm hơn nữa mới hoàn thành được dự án. Trong khi chờ các cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác mỏ mới, nâng công suất khai thác, nhà thầu đã chủ động mua cát từ các mỏ đang khai thác nhưng việc cung ứng ở mức độ rất hạn chế. Nhà thầu đang rất khó khăn khi máy móc, thiết bị đã tập kết nhưng vẫn phải nằm chờ mà sản lượng lại không đạt được tiến độ", đại diện nhà thầu Trường Sơn chia sẻ.

 
Theo tính toán nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm hai dự án thành phần là Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau) khoảng 18,46 triệu m3. Ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), cho biết, vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã chấp thuận bố trí cho dự án 1,5 triệu m3 từ dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao. Các nhà thầu đã tiếp nhận về công trường được khoảng 45.000m3 cát. Đồng thời, tỉnh cũng giới thiệu cho nhà thầu 3 mỏ cát mới với trữ lượng khoảng 3,9 triệu m3. Các nhà thầu đã khảo sát sơ bộ và trình đề cương khảo sát trữ lượng. Hiện chủ đầu tư và nhà thầu đang tích cực phối hợp với địa phương để thực hiện đảm bảo hoàn thiện thủ tục khai thác trong năm 2023. 
Còn tại Vĩnh Long, nhà thầu đang chờ sự chấp thuận từ UBND tỉnh về việc bố trí cho dự án khoảng 0,5 triệu m3 từ mỏ vàm Vũng Liêm 2 (mỏ đang khai thác). Ngoài ra, địa phương cũng đã giới thiệu nhà thầu thực hiện thủ tục bốn mỏ mới với trữ lượng khoảng 3,3 triệu m3. Trong đó, 1 mỏ đã hoàn thiện thủ tục và trình phê duyệt với trữ lượng khoảng 0,75 triệu m3. Hiện, UBND tỉnh đang xem xét để phê duyệt. Ba mỏ còn lại đã khảo sát sơ bộ và triển khai các thủ tục tiếp theo.

"Đối với các mỏ đang khai thác tăng công suất 50% khai thác dành cho dự án, hiện nay chỉ mới có tỉnh An Giang đang cấp tại mỏ sông Vàm Nao 1,5 triệu m3. Tuy nhiên, công suất khai thác không đáp ứng kịp nhu cầu dự án nên lượng cát tiếp nhận về dự án không được nhiều. Đối với các mỏ giao cho nhà thầu mở mới, theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, dự án chỉ được phép áp dụng cơ chế đặc thù trong hai năm là 2022 và 2023. Như vậy, thời gian thực hiện các thủ tục để khai thác mỏ vật liệu cho nhà thầu không còn nhiều - còn khoảng hai tháng. Do vậy, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng kiến nghị các địa phương hỗ trợ, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục mới có thể hoàn thành được trong năm 2023", ông Lê Đức Tuân nhấn mạnh. 

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, nếu thuận lợi, đến trung tuần tháng 12/2023, Hội đồng thẩm định sẽ xem xét, đánh giá kết quả thí điểm cát biển làm vật liệu thi công hạ tầng giao thông một cách toàn diện. Nếu kết quả khả quan, việc giải quyết nguồn cát đắp nền đường cho các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được cải thiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục