Khan hiếm việc làm, nhiều nhà thầu xây dựng đang “phá giá”

10:02' - 19/12/2024
BNEWS Nếu tình trạng “phá giá” trong đấu thầu vẫn tiếp diễn thì các doanh nghiệp xây dựng sẽ phá sản rất nhanh; thậm chí, trong vài năm nữa không còn doanh nghiệp xây dựng để làm nhà thầu.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nhận xét, hiện nay các doanh nghiệp xây dựng đang rất khó khăn. Ngoại trừ một số doanh nghiệp xây dựng về hạ tầng có thể đảm đương các gói thầu đường cao tốc, công trình sân bay thì có công ăn việc làm và trong năm 2024 cũng vượt lên được, còn lại hầu hết công ty xây dựng dân dụng việc rất ít.

Đơn cử như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, năm 2024 doanh thu chỉ bằng 1/3 của giai đoạn năm 2018. Các doanh nghiệp xây dựng đều rất khó khăn và từ khó khăn ấy dẫn đến các hiện tượng trở thành điểm xấu của thị trường xây dựng - đó là phá giá” – ông Hiệp nêu vấn đề.

 

Theo Chủ tịch VACC, gần đây, khi các gói thầu thi công nào tổ chức đấu thầu đều có hiện tượng “phá giá”. Ví dụ như gói thầu San lấp mặt bằng phân khu 1 - phân kỳ 2 (5,2 ha) thuộc dự án Đầu tư xây dựng Khu dịch vụ dầu khí 35 ha của Công ty CP Đầu tư dầu khí Sao Mai - Bến Đình có tổng mức đầu tư hơn 115,153 tỷ đồng đã hoàn thành mở thầu. Nhưng gói này đã bị giảm tới 48%, xuống còn 57 tỷ đồng.

Tương tự, Gói thầu số 17 Thi công xây dựng công trình và đảm bảo an toàn giao thông thuộc Dự án xây dựng tuyến đường ĐT.384B (đoạn từ nút giao với tuyến đường bộ nối hai đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đến giao với ĐT 378) do Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông - xây dựng Hưng Yên làm chủ đầu tư có giá trị là hơn 721 tỷ đồng. Nhưng sau khi mở thầu, có 5 nhà thầu tham gia và tỷ lệ giảm giá lên đến 27%.

“Đây là tình trạng hết sức phổ biến ở các nhà thầu xây dựng do không có nguồn việc cho nên phá giá. Nếu như đã giảm giá 27-30%, thậm chí 40% thì không có cách nào làm được. Có thể thấy một nghịch lý nữa là trong khi đề nghị đơn giá định mức còn đang chưa hợp lý mà lại “phá giá” gói thầu đến 30-40% thì chất lượng thực hiện có đảm bảo?” – Chủ tịch VACC phân tích.

Từ thực tế này, mới đây, tại hội nghị tổng kết ngành xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị cần xem xét lại cơ chế để hạn chế tình trạng “phá giá”. Về phía VACC, ông Hiệp cho biết, Hiệp hội cũng đang tổ chức hoạt động văn hóa nhà thầu và cách thức chào giá để đảm bảo chất lượng công trình nhờ kỹ năng, kỹ thuật chứ không phải “phá giá” bằng bất kỳ giá nào.

Hiện nay, các doanh nghiệp xây dựng phần lớn là đấu thầu và khoảng 90% là có vốn từ 100 tỷ đồng trở xuống. Do đó, nếu tình trạng “phá giá” này vẫn tiếp diễn thì các doanh nghiệp xây dựng sẽ phá sản rất nhanh; thậm chí, trong vài năm nữa không còn doanh nghiệp xây dựng để làm nhà thầu. Đây là thực tế mà các doanh nghiệp xây dựng đang phải đối mặt.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và dự án này cũng mở ra cả cơ hội và thách thức cho rằng ngành xây dựng. Ngay khi Quốc hội thông qua chủ trương thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Hiệp hội đã tổ chức 2 tọa đàm tập hợp các nhà thầu mạnh nhất trong cả nước làm về xây dựng hạ tầng để xem xét về cơ hội cũng như năng lực và khả năng tham gia.

VACC cho rằng, hình thức thầu EPC nghe tưởng như đơn giản nhưng không phải vậy. Bởi hầu hết nhà thầu ở Việt Nam hiện chỉ là các nhà thầu thi công. Bởi trên thực tế, 90% các nhà thầu Việt Nam có quy mô nhỏ, chủ yếu từ 200 tỷ đồng trở xuống. Doanh nghiệp quy mô vốn 500 tỷ đồng và trên 1.000 tỷ đồng rất ít. Doanh nghiệp có vốn trên 3.000 tỷ gần như không có.

Vậy nên, ông Hiệp kiến nghị, khi đề cập đến cơ chế chỉ định thầu cần xác định cụ thể tiêu chí chỉ định thế nào để doanh nghiệp xây dựng cũng có thể tham gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục