Khẩn trương giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

15:57' - 05/06/2023
BNEWS Ghi nhận tại 5 xã có đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua, người dân đang khẩn trương hoàn tất những thủ tục cần thiết để bàn giao mặt bằng, giúp dự án được khởi công xây dựng đúng tiến độ.

Thủ đô Hà Nội bước vào những ngày nắng nóng kéo dài của mùa hè năm 2023. Nhưng cũng vào thời điểm khắc nghiệt này của thời tiết, cả hệ thống chính trị và người dân huyện Mê Linh đang chung sức, nỗ lực vào cuộc triển khai giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với kỳ vọng sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, dự án sẽ tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

 

Ghi nhận tại 5 xã có đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua, người dân đang tích cực, khẩn trương hoàn tất những thủ tục cần thiết để bàn giao mặt bằng cho thành phố, giúp dự án được khởi công xây dựng theo đúng tiến độ.

Gia đình ông Trần Văn Bình (thôn Tân Châu, xã Chu Phan) có 330 m2 đất nông nghiệp chuyên trồng màu và hoa, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, nhưng khi Nhà nước có chủ trương làm đường Vành đai 4, gia đình ông và các hộ trong thôn đều đồng thuận, cam kết bàn giao mặt bằng theo đúng các quy định của thành phố và huyện.

"Với số tiền 285 triệu đồng được đền bù, hỗ trợ, gia đình tôi sẽ dùng để chuyển đổi nghề nghiệp, mong muốn chung tay với huyện và thành phố để dự án sớm được thi công, mang lại nhiều lợi ích về phát triển kinh tế cho địa phương cũng như người dân chúng tôi", ông Bình chia sẻ.

Tại xã Văn Khê, gia đình ông Nguyễn Ngọc Dương (thôn Khê Ngoại 4) cũng có gần 300 m2 đất ruộng nằm trong diện giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đường Vành đai 4. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, các thành viên trong gia đình ông đều nghiêm túc chấp hành từ việc kê, nhận tiền đền bù hỗ trợ và bàn giao mặt bằng.

Đến nay, hầu hết người dân thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê đồng thuận nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, có đơn cam kết bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Có thể khẳng định, sự đồng lòng của người dân Mê Linh là kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt từ huyện đến cơ sở, từ cấp uỷ đến chính quyền cùng hệ thống chính trị, đoàn thể.

Ngay từ những ngày đầu triển khai dự án, xác định nhiệm vụ giải phóng mặt bằng là khâu đầu tiên, cũng là trọng điểm trong thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, huyện Mê Linh đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng Ban.

Theo đó, Ban Chỉ đạo huyện đã phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; công tác giao ban được duy trì thường xuyên để rà soát, kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và định hướng chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Với tinh thần gần dân, sát dân, hàng tuần, các đồng chí Thường trực, Thường vụ Huyện ủy đều xuống cơ sở, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến người dân. Đặc biệt, đồng chí Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện tuần nào cũng có mặt ở cơ sở, trực tiếp đối thoại ở một số thôn để người dân hiểu, đồng thuận, chấp hành quy định của Nhà nước.

Cũng từ nhiều tháng nay, các cấp ủy địa phương có tuyến đường Vành đai 4 đi qua đã vào cuộc quyết liệt, mang lại hiệu quả thực chất. Theo Bí thư Chi bộ thôn Tân Châu (xã Chu Phan) Nguyễn Văn Tu, từ trước đến nay, trên địa bàn xã có 3 dự án đi qua, nhưng đây là dự án mà công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện bài bản nhất, được bà con thống nhất cao trong việc bàn giao đất cho dự án.

Tương tự, tại xã Kim Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Khắc Trung cho biết , ngay sau khi có chỉ đạo của huyện  về triển khai tuyến đường Vành đai 4, Đảng ủy xã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án nhằm tạo đồng thuận trong nhân dân.

Nhờ cách làm bài bản, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo xã Kim Hoa đã trực tiếp tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Những nội dung vượt thẩm quyền được Đảng ủy, UBND xã tiếp thu, tổng hợp, báo cáo huyện và thành phố xem xét, giải quyết kịp thời.

 

Đến nay, xã Kim Hoa trở thành địa phương đầu tiên của huyện hoàn thành di dời 100% ngôi mộ nằm trong chỉ giới phải di dời. Việc giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp, đất ở và di dời 2 trường học cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến tháng 6/2023, toàn xã hoàn thành bàn giao ít nhất 80% mặt bằng.

Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp uỷ, chính quyền và người dân địa phương, từ nhiều tháng nay, tập thể cán bộ, lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh hầu như không có ngày nghỉ, nỗ lực cao nhất để hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án Vành đai 4. Cán bộ Trung tâm thường xuyên có mặt tại thực địa để kiểm đếm cây trồng, tài sản của người dân, đối chiếu hồ sơ, sổ sách, tham mưu các văn bản chi trả kinh phí bồi thường cho các hộ dân…

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn tuyến qua huyện Mê Linh) có chiều dài 11,2 km, chiếm tỷ lệ 19% của thành phố; đi qua 5 xã (12 thôn) gồm: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa, với tổng diện tích thu hồi đất khoảng 134,2 ha của gần 2.700 hộ dân (hơn 2.300 hộ thu hồi đất nông nghiệp, gần 400 hộ thu hồi đất ở); chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự chung sức của người dân, tính đến ngày 31/5/2023, huyện Mê Linh đã tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng 118,9/141,5 ha đất nông nghiệp và giao thông, thủy lợi (đạt 84% và vượt chỉ tiêu thành phố giao).

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh Đinh Ngọc Thức, đến nay, UBND huyện Mê Linh đã ban hành thông báo thu hồi đất và lập biên bản kiểm đếm cây trồng, tài sản trên đất của 428/428 hộ dân (đạt 100% số hộ); đồng thời, triển khai các bước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, thi công 3 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu đất tái định cư thôn Nội Đồng, thôn Tân Châu và thôn Khê Ngoại 2; ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ, phương án khảo sát, thiết kế và dự toán chuẩn bị đầu tư hạng mục phá dỡ công trình, vật kiến trúc trên đất, vận chuyển phế thải xây dựng do phá dỡ công trình xây dựng. 

Huyện đã lên phương án di dời, hoàn trả công trình điện, nước, viễn thông của 5 đơn vị, với tổng kinh phí khoảng 56,67 tỷ đồng. Về di dời 3 trường học, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đã hoàn thành việc đo đạc hiện trạng, phê duyệt thiết kế; hiện đang đấu thầu tư vấn và thẩm định bản đồ tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Ghi nhận những kết quả đạt được của các cấp uỷ, chính quyền, đặc biệt sự ủng hộ tích cực của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cũng đồng thời nhấn mạnh, khối lượng công việc vẫn còn rất lớn, thành phố đòi hỏi tiến độ triển khai rất gấp.

Do đó, UBND huyện và Đảng ủy, UBND 5 xã có tuyến đường đi qua phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao hơn, quyết tâm chính trị lớn hơn để hoàn thành kế hoạch thành phố giao.

Ban Dân vận huyện ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, nhất là giải phóng mặt bằng đất ở. "Đảng uỷ các xã và Ban Tuyên giáo huyện phải tăng cường nắm tình hình dư luận nhân dân, kịp thời báo cáo các cấp lãnh đạo để phòng ngừa, chấn chỉnh sai phạm. Đồng thời, UBND các xã phải quản lý chặt chẽ phần diện tích đất đã đền bù, không để người dân sản xuất trong phần đất của dự án", Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm giao nhiệm vụ.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của tuyến đường Quốc gia Vành đai 4, cả hệ thống chính trị Mê Linh từ huyện đến cơ sở tiếp tục nỗ lực, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện với quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng vượt kế hoạch thành phố giao, góp phần đưa Mê Linh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục