Khánh Hòa gỡ “nút thắt” cho những con tàu 67

07:25' - 29/09/2016
BNEWS Nhiều ngư dân tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa thể vay được vốn để đóng mới, nâng cấp tàu cá, trong khi cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm giải pháp gỡ “nút thắt”.
Khánh Hòa gỡ “nút thắt” cho những con tàu 67. Ảnh: TTXVN

Chỉ còn hơn ba tháng nữa là hết năm 2016, cũng là thời điểm kết thúc giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Tại thời điểm này, nhiều ngư dân tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa thể vay được vốn để đóng mới, nâng cấp tàu cá, trong khi cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm giải pháp gỡ “nút thắt”, mặc dù đã thực hiện nghị định này suốt hơn hai năm qua.

Cạn thời hạn giải ngân, ngân hàng càng thận trọng

Đến cuối tháng 9/2016, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt cho 37 khách hàng đủ điều kiện vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá, với tổng vốn vay trên 421 tỷ đổng để đóng mới 33 tàu và nâng cấp 12 tàu theo Nghị định 67/NĐ-CP. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại chỉ mới ký hợp đồng tín dụng với 14 ngư dân, cam kết cho vay 99 tỷ đồng, trong đó mới giải ngân được 41 tỷ đồng.

Đến nay, tỉnh mới chỉ có 5 tàu cá đóng mới, 2 tàu nâng cấp đi vào hoạt động và đang triển khai đóng mới 5 tàu cá vật liệu mới, theo Nghị định 67/NĐ-CP. Trong khi đó, Bộ Nông nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho tỉnh Khánh Hòa đóng mới 160 tàu cá, 15 tàu dịch vụ hậu cần từ nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 67/NĐ-CP.

Thực tế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt hồ sơ cho nhiều ngư dân vay vốn để đóng mới, nâng cấp tàu cá. Nhưng ngân hàng có cho ngư dân vay vốn hay không, được cho là yếu tố quan trọng nhất giúp ngư dân hiện thực hóa nguyện vọng của mình.

Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP tỉnh Khánh Hòa cho biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt cho ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp một số tàu cá nhưng vẫn bị ngân hàng từ chối cho vay với lý do, từ nay đến ngày 31/12/2016 không đủ thời gian để triển khai đóng tàu.

Hay có ngân hàng cho chủ tàu vay đến ngày 31/12/2016 được hưởng chính sách theo Nghị định 67/NĐ-CP, sau ngày này ngư dân phải trả lãi suất theo tín dụng bình thường, trong hồ sơ hợp đồng tín dụng có thế chấp tài sản nhà đất, gây khó khăn cho ngư dân.

Bên cạnh đó, thời gian thẩm định giá của đơn vị thẩm định độc lập, do ngân hàng chỉ định chưa được quy định trong quy trình thực hiện chính sách Nghị định 67/NĐ-CP nên thẩm định kéo dài. Đến nay, ngư dân tiếp cận ngân hàng để vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá không được các ngân hàng thương mại cho vay và trả lại hồ sơ lên đến 57 tàu.

Lý giải về sự thận trọng của các ngân hàng thương mại, ông Đỗ Trọng Thảo, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cho rằng, trước đây, một số ngân hàng đã không thu hồi được vốn cho ngư dân vay theo chương trình đánh bắt hải sản xa bờ nói chung. Còn hiện nay, vốn của các ngân hàng thương mại phải huy động từ trong dân nên ngân hàng cũng phải trả cả vốn lẫn lãi trong kinh doanh. Vì vậy, khi cho ngư dân vay, các ngân hàng phải tính đến hiệu quả.

Việc ký hợp đồng tín dụng chậm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa nhận định, do ngư dân do dự về quyết định đóng tàu, vì vốn đầu tư quá lớn, trong khi khả năng quản lý, tính hiệu quả và khả năng thu hồi vốn, trả nợ vay chưa thật rõ ràng. Chủ tàu lo ngại về tính ổn định của thị trường tiêu thụ khi sản phẩm được khai thác với số lượng lớn.

Một số chủ tàu chưa có kinh nghiệm sử dụng tàu vỏ thép, vỏ composite nên muốn chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ. Chủ tàu chưa đủ hồ sơ, trong đó chậm nhất là phê duyệt thiết kế tàu và hay thay đổi thiết kế, phải chờ phê duyệt thiết kế. Đối với các trường hợp nâng cấp tàu, một số tàu đang khai thác nên chủ tàu chưa đưa tàu lên bờ để nâng cấp.

Cần tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn

Vừa qua, tại buổi đối thoại giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa với ngư dân để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP, nhiều ngư dân phản ánh, cơ quan chức năng, ngân hàng tự ý đặt ra nhiều quy định mà trong nghị định này không có. Qua đó cho thấy việc chậm ký hợp đồng tín dụng với các chủ tàu không phải hoàn toàn do ngư dân.

Nhiều ngư dân tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa thể vay được vốn để đóng mới. Ảnh minh họa: TTXVN

Bà Nguyễn Thị Hạnh, trú tại thành phố Cam Ranh cho biết, khi làm hồ sơ vay vốn theo Nghị định 67/NĐ-CP, ngân hàng yêu cầu phải thế chấp chiếc tàu cá vỏ gỗ mà gia đình đang sử dụng, trong khi bà Hạnh được biết vay vốn theo nghị định này không phải thế chấp tài sản. Còn ngư dân Nguyễn Tơn, 73 tuổi, xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang phản ánh, khi đi làm thủ tục để vay vốn đóng tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP, ông không được cơ quan chức năng, ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn với lý do… “đã già rồi”.

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP tỉnh Khánh Hòa, cũng còn những bất cập khiến việc thực hiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP bị chậm tiến độ. Đó là tàu vỏ composite và vỏ gỗ hiện chưa có mẫu thiết kế cụ thể để ngư dân lựa chọn. Vì vậy, khi ngư dân có nhu cầu đóng mới tàu cá phải thuê các đơn vị có chức năng thiết kế mẫu từ 1 – 2 tháng, khiến việc triển khai đóng tàu chậm.

Việc xác nhận, thẩm định phê duyệt hồ sơ vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá phải qua quá nhiều cấp, nhiều nội dung. Thậm chí ở cấp xã, phường không có biên nhận hồ sơ khi chủ tàu nộp phương án để thẩm định vay vốn, dẫn đến việc kéo dài thời gian từ cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đào Công Thiên đã yêu cầu, từ nay đến cuối năm 2016, các ban ngành phải tiếp tục xét duyệt hồ sơ cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67/NĐ-CP. Đối với mẫu tàu đóng mới bằng vỏ gỗ, cho cơ sở đóng tàu được hoàn công; chủ cơ sở đóng tàu composite phải chịu trách nhiệm thiết kế mẫu; tàu vỏ sắt đóng theo mẫu đã ban hành.

Ông Đào Công Thiên cũng lưu ý, ngư dân vay vốn theo Nghị định 67/NĐ-CP không phải thế chấp tài sản, cũng không phân biệt tuổi tác. Nếu ngư dân có nguyện vọng thế chấp tài sản, cơ quan tín dụng nên có chính sách ưu tiên cho họ vay vốn. Các ngân hàng thương mại phải tiếp tục, không được dừng phê duyệt cho ngư dân có đủ điều kiện vay vốn, không được lấy cớ đến cuối năm nay hết hạn giải ngân mà từ chối cho vay.

Ngày 26/9/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cũng đã ra Công văn số 958/KHH-THKSNB, yêu cầu giám đốc các chi nhánh ngân hàng thương mại phải tiếp tục tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị vay vốn, ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho vay đối với các chủ tàu để đóng mới, nâng cấp tàu theo đúng quy định.

Đối với chủ tàu đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa phê duyệt cho vay vốn, thì tích cực phối hợp với chủ tàu, hướng dẫn thực hiện đầy đủ các quy định của ngân hàng, đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng tín dụng, giải ngân cho vay. Tạo điều kiện cho khách hàng được vay mức cao nhất theo quy định, không bắt buộc chủ tàu bổ sung tài sản đảm bảo để triển khai đóng mới, nâng cấp tàu cá…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục