Khánh Hòa phát triển nghề nuôi biển theo công nghệ cao

14:24' - 08/09/2022
BNEWS Trong 28 tỉnh, thành phố có biển, Khánh Hòa có điều kiện về môi trường, khí hậu rất thuận lợi để phát triển nuôi biển. Đây cũng là một trong các tỉnh hiện đang dẫn đầu cả nước về nuôi biển.

Tuy nhiên, nghề nuôi biển của Khánh Hòa chủ yếu theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ, hầu hết lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ, không chịu được sóng lớn nên cần thay đổi sang phương thức nuôi hiện đại, công nghệ cao, áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới. 

 

Đó là nhận định của ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa về thực trạng cũng như sự cần thiết phải phát triển nuôi biển công nghệ cao tại tỉnh địa phương.

Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa do Tỉnh ủy Khánh Hòa phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thực hiện. Đây là đề án thí điểm nhằm triển khai Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Lê Tấn Bản nhấn mạnh, cùng với phát triển kinh tế biển thì kinh tế cảng, đóng tàu, du lịch biển đảo, thủy sản cũng luôn được tỉnh chú trọng. Vì vậy, phải phát triển nuôi công nghệ cao vùng biển cách bờ từ 3 đến 6 hải lý; gắn với quốc phòng, an ninh  bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo...

Khánh Hoà có nhiều lợi thế về phát triển nuôi biển với chiều dài bờ biển trên 380 km với hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều đầm, vịnh như Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang và đầm Nha Phu. Vùng biển thuộc các đầm, vịnh đủ điều kiện thích hợp cho các đối tượng nuôi biển vì nằm sâu trong vịnh, kín gió, nhiệt độ nước hợp để nuôi quanh năm.

Là một trong những địa phương sản xuất giống thủy sản tập trung tại khu vực duyên hải miền Trung, đối tượng giống thủy sản tại Khánh Hòa được sản xuất đa dạng với nhiều loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, tôm chân trắng, ốc hương, cá biển, tu hài, cua và hải sâm. Nguồn giống thủy sản của tỉnh không chỉ cung cấp cho nhu cầu tại địa phương mà còn xuất đi các tỉnh trong khu vực, miền Tây và miền Bắc.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, hiện phần lớn cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất giống thủy sản thường là điểm sản xuất truyền thống, được cải tạo phù hợp theo đối tượng. Tổng số lượng trại giống tại Khánh Hòa năm 2021 là 252 cơ sở, sản lượng sản xuất hàng năm đạt 6 - 11 tỷ con giống.

Với sự hỗ trợ của dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển biền vững tỉnh Khánh Hòa (năm 2019), địa phương đã xây dựng vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa). Giai đoạn 1 của dự án với quy mô 60 ha đã hoàn thành với 29 ha dùng cho xây dựng cơ sở hạ tầng và 31 ha (9 lô) đang kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống, công suất dự kiến đạt 6 tỷ con giống/năm.

Tỉnh có lợi thế về khoa học kỹ thuật ứng dụng trong nuôi biển ven bờ vì là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu về biển như: Viện Hải dương hoc, Trường Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III...

Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng là nơi được nhiều doanh nghiệp chọn để triển khai các dự án lớn về nuôi trồng thủy sản. Hiện Khánh Hòa có 3 mô hình nuôi biển quy mô công nghiệp điển hình hiệu quả gồm: Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, Trung tâm nuôi biển công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và Công ty cổ phần nuôi trồng Thuỷ sản Phương Minh.

Bên cạnh những lợi thế kể trên, tỉnh Khánh Hòa vẫn còn một số tồn tại như: các vùng nuôi lồng bè hiện nay chủ yếu gần bờ và ven đảo nằm ở các đầm, vịnh. Ngư dân nuôi biển trong tỉnh Khánh Hòa chủ yếu nuôi theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ, hầu hết lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ, không chịu được sóng lớn.

Một số vùng nuôi nằm chồng lấn với các quy hoạch khác của tỉnh nên tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên biển suy giảm đáng kể, nhất là tại vịnh Vân Phong và Cam Ranh, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Mặt khác, vốn đầu tư lớn, thời gian nuôi dài hạn với sự tham gia của các doanh nghiệp có khả năng đầu tư bài bản còn ít. Trong khi đó, lực lượng lao động tham gia vào nuôi biển còn hạn chế về khoa học kỹ thuật và ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường chưa cao.

Việc tiêu thụ tôm hùm còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên khi việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, giảm khả năng tiêu thụ; giá tôm hùm giảm sâu một vài thời điểm trong thời gian qua.

Trước thực trạng đó, việc triển khai đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa sẽ góp phần giảm thiểu dần diện tích nuôi thủy sản trong lồng bè ven bờ, hình thành và mở rộng những vùng nuôi biển xa bờ theo phương thức công nghiệp, hiện đại với quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với sự biến đổi khí hậu…

Tỉnh xác định nuôi biển công nghệ cao là hướng phát triển của ngành nông nghiệp địa phương, phấn đấu trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; từng bước hình thành vùng nuôi từ 3-6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa giảm áp lực nuôi ven bờ. Qua đó, Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 1.100 ha, sản lượng nuôi biển đạt 15.000 tấn; đến năm 2030 diện tích nuôi biển tăng lên 1.500 ha.

Theo Đề án, tỉnh Khánh Hòa chú trọng về giống phục vụ nuôi biển công nghệ cao; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới vào nuôi biển nhằm tạo sản phẩm giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và phát triển xanh.

Về dịch vụ hậu cần nuôi biển, tỉnh tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu mới để phát triển, hoàn thiện công nghệ sản xuất lồng, bè phù hợp với từng loài thủy sản nuôi, khả năng chống chịu sóng, bão, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc, quản lý và thu hoạch…

Đánh giá về tiềm năng và định hướng nuôi biển vùng ven bờ, kỹ sư Tống Phước Hoàng Sơn - chuyên gia thủy động học thuộc Viện Hải dương học cho rằng, kỹ thuật nuôi các đối tượng và công nghệ chế tạo vật liệu mới sử dụng nuôi biển tại Việt Nam đã chủ động được.

Tuy nhiên, hiện còn thiếu những mô hình thí điểm phù hợp với điều kiện kinh tế và cơ chế chính sách để khuyến khích hộ dân đầu tư chuyển đổi để tiến tới nuôi công nghiệp ở các vùng biển hở và xa bờ.

Để giải quyết những tồn tại trên, cần có những mô hình thí điểm phù hợp và những chính sách hỗ trợ khuyến khích ngư dân phát triển nuôi biển công nghiệp, thay đổi công nghệ nuôi lồng; trong đó có việc chuyển đổi lồng nuôi kiểu gỗ truyền thống sang công nghệ lồng nuôi bằng vật liệu mới, đưa ngành nuôi biển trở thành ngành sản xuất chủ lực cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; đồng thời tạo cảnh quan môi trường, giảm thiểu ô nhiễm vùng nuôi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục