Khánh Hòa: Sản lượng đánh bắt cá ngừ sụt giảm

05:48' - 05/03/2021
BNEWS Những ngày sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, lượng tàu đánh bắt thủy sản cập cảng tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khá sôi động. Tuy nhiên lượng thủy sản ngư dân đánh bắt không đạt được như mong đợi.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, một trong những nguyên nhân dẫn đến suy giảm nguồn lợi thủy sản của tự nhiên là do khai thác tận diệt, sử dụng ngư cụ trái phép và chưa làm tốt việc tái tạo. 

Theo thông lệ, thời điểm từ tháng 11 âm lịch của năm trước kéo sang tháng 3 âm của năm sau là mùa chính khai thác cá ngừ. Tuy nhiên, chuyến biển xuyên tết 20 ngày vừa qua, các tàu bám biển đánh bắt không đạt sản lượng như mọi năm. Phần lớn các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cập cảng trung bình chỉ đạt khoảng 15 con. Thậm chí, có tàu chỉ đánh được 5-7 con và rất ít tàu đánh bắt được hàng chục con. Trong khi thời điểm này hàng năm, tàu nào cũng trúng đậm cá ngừ với sản lượng trung bình từ 30-35 con, tổng trọng lượng đánh bắt trên 1 tấn.
Ngư dân Trần Bé, thuyền trưởng tàu KH 93879 TS, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang cho biết, chưa năm nào chuyến biển xuyên tết câu cá ngừ đại dương mà thất thu như năm nay. Chuyến biển xuyên tết, tàu của ông Bé đánh bắt được 26 con với gần 1 tấn cá được xem là một trong những tàu đánh được nhiều cá hơn so với các tàu thất thu khác. Với giá thu mua hiện tại và trừ chi phí, tàu của ông may mắn hòa vốn.
Đối với hoạt động đánh bắt gần bờ những năm gần đây, ngư dân và tiểu thương thu mua cũng cho rằng sản lượng không đạt. Anh Trần Thanh Tùng, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang là một trong những người thu mua thủy sản nhiều năm nay tại cảng cá dân sinh Vĩnh Trường cho biết, những năm trước, mỗi lần tàu cập cảng là cá, mực… rất nhiều, nhưng năm nay chỉ thu mua được ít.
Nguồn thủy sản cạn kiệt, không còn như xưa nữa. Hồi trước cá bâu đầy mà mấy năm nay đi soi cá cũng chỉ thấy toàn nước. Thu mua từng mớ chứ không được nhiều khay như trước - anh Tùng chia sẻ.
Mười mấy năm mưu sinh từ nghề đánh bắt gần bờ tại khu vực đầm Nha Phu, ngư dân Nguyễn Thanh Hùng, thôn Ngọc Diêm xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa nhận xét: "Những năm trở lại đây, việc đánh bắt khó khăn hơn nhiều. Đầm Nha Phu này sợ là vài năm nữa sẽ cạn kiệt. Trong khi đó, giá thu mua hải sản cũng không cao do dịch bệnh. Ngư dân đánh bắt một ngày cũng chỉ đủ chi phí, may mắn thì có thêm một ít tiền để chi tiêu".
Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, sản lượng bình quân hàng năm khai thác từ 95.000 -100.000 tấn thủy sản. Tuy nhiên, năm 2020, sản lượng đánh bắt đạt 94.500 tấn, giảm 9.500 tấn so với năm 2018.
Về đánh bắt xa bờ, ông Vũ Văn Đáp - Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ Việt Nam cho hay, sản lượng khai thác thủy sản của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần là do lượng khai thác đã quá mức, nhất là đang trong quá trình sinh sản cá non mà đã khai thác. Do đó, sản lượng và kích thước khai thác tối ưu không thể đạt được.
Năm 2019, chỉ tính riêng dòng cá ngừ, sản lượng cá ngừ đại dương của cả nước đạt khoảng 17.500 tấn, cá ngừ sọc dưa 45.000-60.000 tấn. Năm 2020, sản lượng chung giảm 5%, chỉ còn khoảng 17.000 tấn, đó là chỉ tính nghề câu, chưa kể các loại hình khai thác khác.
Còn ông Nguyễn Trọng Chánh cho rằng, nguyên nhân suy giảm nguồn lợi thủy sản là do hiện số lượng ngư dân đóng tàu thuyền có công suất lớn nhiều hơn; hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được đầu tư đồng bộ. Khánh Hòa có 385 km đường biển nhưng lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Chi cục cũng chưa đáp ứng được số biên chế. Hiện Chi cục có 15 biên chế và 10 hợp đồng.
Mặt khác, phương tiện tuần tra, kinh phí thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, chưa đáp ứng được. Mặc dù tuyên truyền đã có nhiều chuyển biến tích nhưng vẫn còn một bộ phận ngư dân vẫn lén lút khai thác bằng ngư cụ có tính hủy diệt như chích điện, nghề cào sò, giã cào (vùng biển ven bờ)...
Đặc biệt, việc tái tạo nguồn lợi thủy sản chưa được quan tâm đúng mức là một trong những yếu tố cần lưu ý trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hiện mới thực hiện đánh bắt chú chưa làm tốt khâu tái tạo, khoanh vùng khu vực bảo vệ, bảo tồn để thủy sản trú ẩn hay tạo môi trường an toàn để thủy sản sinh sôi.
Hiện Khánh Hòa có khu vực hòn Mun thuộc vùng biển Nha Trang là khu vực được khoanh vùng, bảo vệ nghiêm ngặt. Còn lại, các đầm, vịnh như Nha Phu, Thủy Triều, Cam Ranh, Vân Phong cho đánh bắt phù hợp với quy định của nhà nước. Tỉnh có Khu bảo tồn Rạn Trào là khu bảo tồn biển có quy mô nhỏ đầu tiên ở Việt Nam được quản lý bởi cộng đồng dân cư địa phương, nằm trong vịnh Văn Phong, thuộc xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh. Năm 2022, tỉnh sẽ tăng cường giải pháp để bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản ở đây.
Việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi là giải pháp căn cơ để nghề khai thác thủy sản phát triển bền vững. Nếu thực hiện khâu này sẽ giúp ổn định khai thác thân thiện, giúp tăng thu nhập của ngư dân và hạn chế được việc đánh bắt tận diệt.
Chi cục cũng sắp xếp lực lượng tại các vùng biển để tăng cường tuần tra kiểm soát, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần hồi phục nhanh nguồn lợi thủy sản.
Trong thời gian tới, cần tăng cường nhân lực cho cơ quan thực hiện bảo vệ tái tạo nguồn lợi thủy sản, phương tiện và kinh phí thực hiện điều tra; đồng thời, có kế hoạch về phát triển hạ tầng, phương tiện đánh bắt để tránh số lượng tàu nhiều, dẫn đến việc khai thác vượt mức - ông Chánh đề xuất.
Năm 2020, Khánh Hòa đã xử phạt 67 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 317.800.000 đồng; tạm giữ 65 tang vật gồm 45 lồng cào sò, 15 súng điện và kích điện, 5 bộ lưới giã cào; tịch thu 10 bộ súng điện và kích điện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục