Khánh thành công trình phỏng dựng, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia tháp Tường Long

17:31' - 19/11/2017
BNEWS Cụm chùa tháp Tường Long được khởi công xây dựng, tôn tạo từ ngày 11/6/2008, trên diện tích khoảng 2.000 m2
Cụm chùa tháp Tường Long được xây dựng trên diện tích khoảng 2.000m², với các hạng mục: Tòa tháp 9 tầng, phần chân hình vuông có 4 lối lên xuống, bên trong đặt pho tượng A-di-đà ngồi trên toà sen bằng đá. Ảnh: TTXVN

Ngày 19/11, thành phố Hải Phòng đã tổ chức khánh thành công trình phỏng dựng, tôn tạo Di tích lịch sử cấp quốc gia tháp Tường Long, tại phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn sau gần 10 năm thực hiện. Đây là công trình văn hoá có kiến trúc độc đáo, di tích lịch sử gắn với đời nhà Lý thế kỷ XI, được xây dựng năm 1058 thời Lý Thánh Tông.

Theo Đại Nam nhất thống chí, tháp Tường Long cao 100 thước ( bằng khoảng 45m), dựng trên khu đất rộng 1000m2, có 9 tầng, cửa mở ra hướng tây, đặt trên đỉnh núi Ngọc cách mặt biển 100m nên ngọn tháp này thuộc loại cao nhất so với các tháp ở Việt Nam thời bấy giờ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh cho biết, cụm chùa tháp Tường Long được khởi công xây dựng, tôn tạo từ ngày 11/6/2008, trên diện tích khoảng 2.000 m2, với các hạng mục, gồm: tòa tháp 9 tầng, phần chân hình vuông có 4 lối lên xuống, bên trong đặt pho tượng A Di Đà ngồi trên toà sen bằng đá.

Chùa Tháp có tam quan ngoại được thiết kế theo lối kiến trúc mở, với bốn trụ cổng bằng đá đục chạm hoa văn tinh xảo. Tam quan nội và tường lan can có 3 cửa chính và khung bằng gỗ lim hài hoà cùng Tam bảo với tiền đường gồm 5 gian. 20 pho tượng đồng nặng hơn 20 tấn được đặt trong nhà Tam bảo.

Đặc biệt, chuông chùa nặng 1 tấn mô phỏng chuông chùa Vân Bản của Đồ Sơn, được đúc trực tiếp trên đỉnh núi Ngọc. Cạnh tháp Tường Long là nhà che bia và che hố khảo cổ 2 tầng, nơi lưu giữ nhiều hiện vật giá trị với các họa tiết, hoa văn, được làm từ gỗ, đá, ngói, gạch thời Lý.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam nhấn mạnh: Lịch sử của tháp Tường Long luôn gắn liền với lịch sử kiến trúc nghệ thuật thời Lý, đặc biệt là các công trình kiến trúc về tôn giáo đạo Phật.

Tháp Tường Long không chỉ là một địa điểm văn hóa tâm linh của cả nước mà còn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến, bởi vậy mỗi người dân Hải Phòng cần phải bảo tồn, phát huy và gìn giữ quần thể kiến trúc phật giáo lớn nhất vùng duyên hải Bắc Bộ, nằm trong tuyến du lịch trọng điểm quốc gia Đồ Sơn- Cát Bà- vịnh Hạ Long.

Hải Phòng hiện có 1.134 di tích, bao gồm nhiều loại hình khác nhau; có 475 di tích đã được xếp hạng các cấp, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia, 113 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 360 di tích xếp hạng cấp thành phố.

Di tích lịch sử tháp Tường Long đang trở thành điểm thu hút du khách. Để phát huy hiệu quả Di tích tháp Tường Long, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đề nghị quận Đồ Sơn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, Thành Hội Phật giáo Hải Phòng và các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, quản lý, bảo vệ an ninh trật tự, với nhân dân địa phương, với du khách trong nước và quốc tế; kết nối quần thể Di tích tháp Tường Long với các quần thể di tích khác xây dựng thành điểm, tuyến văn hóa du lịch tâm linh, du khảo đồng quê của thành phố và cả nước; tổ chức các sự kiện, hoạt động giới thiệu văn hóa lịch sử tháp Tường Long gắn với các hoạt động lớn của thành phố, của đất nước.

Đồ Sơn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như: Khu di tích K15 - nơi xuất phát của đoàn tàu không số huyền thoại, bến Nghiêng - nơi chứng kiến những tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc Việt Nam, chùa Hang, đền Dáu...

Quận Đồ Sơn đã và đang tập trung khai thác toàn diện tiềm năng, lợi thế về biển để phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực kinh tế biển; nâng cấp, hiện đại hoá khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Đồ Sơn xứng tầm khu du lịch quốc tế trong trục du lịch Đồ Sơn - Cát Bà - Hạ Long.

>>>Hải Phòng “nở rộ” các dự án BT

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục