Khi nào DOC có kết luận cuối cùng về điều tra chống bán phá giá mật ong Việt Nam?

19:54' - 23/03/2022
BNEWS Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ quy định, tập quán của các nước nhập khẩu, chú trọng nâng cao chất lượng và không phá giá.

Liên quan đến việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam, trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Dự kiến kết luận cuối cùng của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ ban hành vào cuối tháng 4 năm 2022.

Bởi vậy, Bộ Công Thương khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong trong nước tích cực phối hợp với DOC và bày tỏ quan điểm trong giai đoạn điều tra tiếp theo; đồng thời nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tăng cường tiêu thụ nội địa và đa dạng hóa mặt hàng, thị trường xuất khẩu trong dài hạn.

 

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ quy định, tập quán của các nước nhập khẩu, chú trọng nâng cao chất lượng và không phá giá dẫn đến nguy cơ tiếp tục bị điều tra phòng vệ thương mại.

Trước đó, ngày 17/11/2021, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam và đã áp thuế chống bán phá giá mật ong Việt Nam từ 410,93% đến 413,99%.

Hiện nay, ngành nuôi ong mang lại việc làm cho khoảng hơn 35 vạn hộ nông dân và tạo ra sản lượng mật hàng năm khoảng 70.000 tấn; trong đó, 90% sản lượng được xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Trên thực tế, mật ong đã được Bộ Công Thương đưa vào Danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại từ năm 2020 và gửi cho các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh để phối hợp theo dõi.

Từ tháng 3/2021, khi nhận được thông tin về khả năng Hoa Kỳ điều tra vụ việc, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các buổi họp với Hội Nuôi Ong và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ để chuẩn bị ứng phó.

Ngay khi DOC khởi xướng vụ việc, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã trao đổi vụ việc với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ trong các cuộc tiếp xúc song phương.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng thảo luận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các phương án ứng phó và hỗ trợ ngành nuôi ong. Trong quá trình điều tra, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam đã chủ động phối hợp với nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và luật sư tư vấn để hỗ trợ trả lời bản câu hỏi điều tra và hợp tác với DOC.

Thế nhưng, do Hoa Kỳ chưa công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam và sử dụng dữ liệu thay thế bất lợi của Ấn Độ dẫn đến các doanh nghiệp phải chịu mức thuế rất cao.

Đáng lưu ý, trong quá trình Hoa Kỳ điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đã có thư gửi các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ như DOC, Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ nhằm phản đối phương pháp tính thuế của Hoa Kỳ.

Hơn nữa, tại các cuộc họp giữa Bộ Công Thương và các đoàn công tác của Hoa Kỳ như Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam..., Bộ Công Thương đều đề nghị phía Hoa Kỳ xem lại vụ việc, đánh giá một cách khách quan, công bằng theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, đảm bảo quyền lợi chính đáng của ngành mật ong Việt Nam.

Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mật ong theo dõi sát sao vụ việc.

Cùng với đó, hỗ trợ Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu mật ong ở giai đoạn điều tra tiếp theo và tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan; đẩy mạnh đối thoại với Hoa Kỳ ở các cấp, đồng thời tiếp tục cung cấp thông tin và các lập luận về mặt pháp lý, kỹ thuật cho phía Hoa Kỳ.

Đặc biệt, sau khi đánh giá thị trường nội địa và một số thị trường khác vẫn còn dư địa tăng trưởng, Bộ Công Thương đang hướng dẫn các địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ mật ong tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mật ong, nhất là với những đối tác mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do./.

>>>Thêm một doanh nghiệp cá tra không bị áp thuế bán phá giá sang Mỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục