Khi "trái bóng" vàng bị xì hơi

14:57' - 08/07/2016
BNEWS Đã từ rất lâu thị trường vàng mới chứng kiến không khí tấp nập “kẻ bán, người mua” như những ngày qua. Những cơn sóng vàng liên tiếp dâng cao rồi hạ nhanh khiến thị trường đầy bất ngờ.
Giá vàng bốc hơi chỉ sau có 2 ngày. Ảnh: reuters

Trầm lắng trong suốt một thời gian dài, giá vàng từ vùng “lình xình” 35 triệu đồng/lượng đã “bứt” lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2013.

Nguyên cớ được cho là ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới chao đảo trước kết quả cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong EU được công bố hôm 24/6 với phần thắng tạm nghiêng về phe những người ủng hộ Anh ra khỏi châu Âu

Nhưng tới phiên giao dịch ngày 6/7, giá vàng mở cửa bất ngờ tăng thẳng đứng và “chọc thủng” mốc 38 triệu đồng/lượng. Liên tiếp thị trường chứng kiến những đợt sóng lớn, một hiện tượng hiếm gặp trong suốt 3 năm qua khi kim loại quý “phi mã” qua vùng 39 triệu đồng/lượng và cách mốc 40 triệu đồng/lượng không xa.

Giới phân tích lên tiếng giá vàng sẽ tiếp tục tăng mặc dù không ổn định, người dân thì hồ nghi nhưng tâm lý đám đông đã chiến thắng.

Trước diễn biến này, nhà điều hành "ra tay" kịp thời ngay tối 6/7, với tuyên bố: Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực và sẵn sàng can thiệp nhằm bình ổn thị trường kim loại quý này.

Sau thông điệp từ nhà điều hành, ngay lập tức sáng hôm sau, giá vàng trong nước đã lao dốc không phanh bất chấp giá vàng thế giới tăng. Chỉ trong vài tiếng đầu giờ sáng 7/7, kim loại quý đã “bốc hơi” gần 2 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới vẫn tăng phiên thứ 7 liên tiếp.

Sự lội ngược dòng này cho thấy, yếu tố tâm lý đã “thổi” giá kim loại quý trong nước lên cao và điều này cũng đồng nghĩa với những rủi ro tiềm ẩn đối với giới đầu cơ mặt hàng này. Trái bóng có thể bị xì hơi bất cứ lúc nào khi có sự can thiệp từ nhà điều hành, đây là điều không còn lạ đối với những thị trường vốn nhạy cảm như vàng.

Còn nhớ, diễn biến này từng xảy ra từ nhiều năm trước mỗi khi giá vàng biến động mạnh, nhiều đối tượng có hành vi làm giá, đầu cơ gây khan hiếm nguồn cung giả tạo, đồng thời tung tin đồn gây nên các “cơn sốt vàng” làm cho người dân đổ xô đi mua vàng.

Nhưng kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về Quản lý kinh doanh vàng (Nghị định 24) được ban hành và đi vào cuộc sống, thị trường kim loại quý đã đi vào khuôn khổ.

Từ đó, những bất cập của thị trường vàng trong những giai đoạn trước cũng dần được khắc phục. Giá vàng trong nước đã tiệm cận giá vàng thế giới. Các mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước về tạo khuôn khổ pháp lý để quản lý thị trường vàng, loại bỏ tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế về cơ bản đã đạt được.

Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường. Ảnh: NHNN

Trên thực tế, thị trường vàng mấy ngày gần đây chỉ ghi nhận những giao dịch nhỏ lẻ với khối lượng không tăng đột biến. Đặc biệt, không có tình trạng người dân xếp hàng, đổ xô đi mua vàng như những thời kỳ trước đây.

Người phát ngôn của Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối đã nhận định, nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng mạnh trong những ngày qua chủ yếu là do tác động tâm lý của thị trường sau khi có công bố Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu.

Từ chiều ngày 5/7 đến 6/7, giá vàng trong nước có xu hướng tăng nhanh hơn giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới. Diễn biến này tác động đến tâm lý của thị trường. Một số người có xu hướng chưa bán vàng ngay ra thị trường gây thiếu hụt nguồn cung tạm thời.

Nếu làm phép tính có thể thấy, “lướt sóng” hay đầu cơ vàng trong vài ngày qua hưởng lợi thì ít mà rủi ro thì cao. Trong ngày 6/7, nếu ai “ôm” vàng vào thời điểm giá lên đỉnh là 39,8 triệu đồng/lượng thì chỉ sau một đêm, mỗi lượng vàng đã bị “bốc hơi” gần 3 triệu đồng.

Hoặc nếu mua vàng lúc mở cửa ngày 6/7, đến cuối ngày dù giá tăng tới gần 2 triệu đồng mỗi lượng nhưng nhà đầu tư cũng chỉ lãi vỏn vẹn 600 – 700 nghìn đồng mỗi lượng. Bởi lẽ, các nhà vàng đã tranh thủ nới rộng khoảng cách mua và bán để giữ an toàn cho chính họ.

Nhìn lại những năm 2011 – 2012, khi “cơn sốt” vàng chưa dịu xuống, nhiều dự báo khẳng định vàng sẽ “leo” cao, thậm chí vượt quá ngưỡng 2.000 USD/ounce. Những đồn đoán đó đã “thổi” giá vàng trong nước lên sát 50 triệu đồng/lượng.

Nhiều người dân khi ấy đã ồ ạt ôm tiền đi mua vàng với kỳ vọng giá sẽ lên. Nhưng kể từ đó đến nay, kim loại quý đã trượt dài và bỏ xa mốc 50 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới cũng chưa khi nào “chạm” mốc 2.000 USD/ounce.

Như vậy, biến động thị trường vàng trong những ngày qua chỉ là nhất thời, chưa có xu hướng rõ ràng. Tâm lý đám đông đã chi phối thị trường và Brexit chỉ là cái cớ.

Sự can thiệp đúng đắn và kịp thời của các nhà quản lý rõ ràng là rất quan trọng mỗi khi nhà đầu tư mất định hướng, nhất là với các thị trường nhạy cảm như vàng, chứng khoán, tiền tệ...

Bài học nhãn tiền còn đó. N hiều chuyên gia liên tục cảnh báo giới đầu cơ và người dân nên thận trọng để tránh bị thua thiệt.

Gía kim loại quý vẫn được dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới nhưng cần “cái đầu lạnh” và hết sức thận trọng trong mọi quyết định mua, bán để tránh những rủi ro không đáng có gây thiệt hại cho bản thân là lời khuyên đối với người “chơi vàng” lúc này./.

>> Vàng liên tục tăng giá: Người bán sớm, kẻ cố giữ

>> Giá vàng hôm nay 8/7 tiếp tục lao dốc

>> Giá vàng thế giới "đứt mạch" tăng giá

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục