Kho bạc Nhà nước Quảng Nam giải ngân trong bối cảnh khó khăn

12:09' - 19/12/2023
BNEWS Tính đến hết ngày 30/11, tỉnh Quảng Nam có 15 sở, ngành và 11 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân thấp dưới 60%.

Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam cho biết, đến hết ngày 30/11, vốn đầu tư công năm 2023, không bao gồm các dự án do trung ương quản lý, giải ngân qua kho bạc là trên 5.529 tỷ đồng, đạt 55,2% so tổng vốn đầu tư công năm 2023 sau điều chỉnh.

 

Theo đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân 4.613,25 tỷ đồng, đạt 53,9% so với kế hoạch vốn sau điều chỉnh, đạt 59,3% so với kế hoạch vốn UBND tỉnh giao từ đầu năm, đạt 66,4% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn so với cùng kỳ 30/11/2022. Kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân 916,47 tỷ đồng, đạt 62,1%.

Số liệu của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam và báo cáo của các đơn vị, địa phương, tính đến hết ngày 30/11, có 15 sở, ngành và 11 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân thấp dưới 60%.

Báo cáo từ UBND tỉnh cho thấy nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là do giai đoạn này trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thường xảy ra các đợt mưa dông, bão lũ nên tiến độ thi công các dự án liên quan đến hồ chứa nước và kè bị gián đoạn kéo dài.

Nguồn vốn phân bổ vào đầu năm 2023 lớn và bằng với tổng mức đầu tư dự án. Trong khi đó, các dự án có quy mô lớn (3/5 dự án là nhóm B) và triển khai trên địa bàn rộng, nhiều công trình ở vùng sâu, vùng xa và đa số các hạng mục công việc phải đấu thầu qua mạng nên mất nhiều thời gian.

Một số dự án không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập dự án, thiết kế nên phải điều chỉnh, bổ sung dự án, thiết kế cho phù hợp với thực tế.

Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giải ngân chậm do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng nên việc thi công chậm, chưa có khối lượng để giải ngân; việc gia hạn hiệp định vay đến nay vẫn chưa hoàn thành, nên chưa đủ cơ sở để giải ngân mặc dù đã có khối lượng nghiệm thu hoàn thành.

Bên cạnh đó là việc khan hiếm nguồn nguyên vật liệu đất đắp, cát xây dựng và biến động đơn giá xăng, sắt, thép đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Để hoàn thành mục tiêu giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn được giao trở lên, UBND tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp và ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời hạn giải ngân sang năm 2023.

Ngoài ra, nười đứng đầu đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp dự án không giải ngân hết, bị hủy dự toán kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài đã được cấp thẩm quyền cho phép trong khi dự án vẫn còn khối lượng thực hiện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục