Kho bạc Nhà nước thực hiện mục tiêu “3 không”

16:19' - 20/09/2023
BNEWS Để hoàn thành kho bạc "3 không" theo Chiến lược phát triển hệ thống Kho bạc Nhà nước đến năm 2030, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp.

Kho bạc "3 không" là không chứng từ giấy, không khách hàng giao dịch và không tiền mặt. Theo đó,  để đạt được mục tiêu về không có khách hàng giao dịch trực tiếp tại trụ sở, Kho bạc Nhà nước triển khai các dịch vụ công trực tuyến, gửi hồ sơ điện tử từ xa để Kho bạc Nhà nước kiểm soát tự động, chuyển sang thanh toán tự động…

Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước đánh giá, điều này rất thuận tiện cho khách hàng giao dịch, giúp khách hàng không phải đi lại, tiết kiệm chi phí, thời gian và góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công.

Hơn nữa, việc kiểm soát thời gian thanh toán qua hệ thống rất chặt chẽ, các đơn vị gửi hồ sơ chứng từ ở thời điểm như thế nào đều được ghi lại trên hệ thống, nên cán bộ Kho bạc Nhà nước không thể trì hoãn thời gian thanh toán.

Bên cạnh đó, hệ thống Kho bạc Nhà nước đang phấn đấu thực hiện mục tiêu không chứng từ giấy và đặt kỳ vọng thời gian tới sẽ sớm hoàn thành mục tiêu này.

Đặc biệt, để triển khai không tiền mặt tại trụ sở Kho bạc Nhà nước, hiện đơn vị ủy nhiệm thu ngân sách qua hệ thống ngân hàng thương mại. 

Theo các chuyên gia kinh tế, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế hiện nay, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian; đảm bảo an toàn chính xác, giảm thiểu rủi ro trong quản lý.

Đề án thanh toán không dùng tiền mặt phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống Kho bạc Nhà nước đến năm 2025 gồm 7 nhóm nhiệm vụ được quy định chi tiết bằng 21 nhiệm vụ cụ thể; trong đó, 5 nhiệm vụ bắt đầu thực hiện trong năm 2022; có 9 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên hằng năm, triển khai đồng bộ từ việc hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cấp, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; các hoạt động đẩy mạnh thu, chi qua Kho bạc Nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Do đó, đến nay, Kho bạc Nhà nước đã tập trung triển khai, ký kết thỏa thuận về quy trình phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử giữa Kho bạc Nhà nước với các ngân hàng thương mại.

Hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng tiếp tục hoàn thiện kết nối liên thông giữa các hệ thống, chương trình cơ quan Thuế, Hải quan, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IPBS)… Nhờ đó, viêc chi ngân sách tại trụ sở hiện chỉ dưới 1% là thanh toán tiền mặt, còn lại tới 99% là không dùng tiền mặt.

Tại Kho bạc Nhà nước Hưng Yên, đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống Kho bạc Nhà nước đến năm 2025.

Theo đó, Kho bạc Nhà nước phấn đấu đến cuối năm 2025, không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và giảm đến mức tối thiểu các giao dịch thu bằng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước.

Để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, Kho bạc Nhà nước tỉnh và các Kho bạc Nhà nước huyện, thị xã đã thực hiện đồng bộ các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt như: đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn thể công chức, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt; kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt...

 

Kho bạc Nhà nước cũng đã tham mưu UBND tỉnh Hưng Yên ban hành công văn gửi các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã và gửi thông báo đến các đơn vị sử dụng ngân sách bằng văn bản về việc thực hiện không giao dịch thu, chi bằng tiền mặt tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước; phối hợp với các đơn vị hành chính nhà nước, sự nghiệp công lập đẩy mạnh giao dịch điện tử.

Đến nay, 100% các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký sử dụng ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước, tỷ lệ chứng từ chi ngân sách giao nhận, xử lý và trả kết quả qua hệ thống Dịch vụ công đạt trên 99% (dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4).

Trong thu ngân sách, Kho bạc Nhà nước Hưng Yên đã mở 38 tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tại 6 hệ thống ngân hàng thương mại Vietinbank, Agribank, Vietcombank, BIDV, MBBank, Lienvietpostbank. Đồng thời, việc hạch toán, phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp được cập nhật, truyền dữ liệu kịp thời cho cơ quan Tài chính, cơ quan Thuế.

Đại diện lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Hưng Yên khẳng định, việc triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch, mục tiêu Kho bạc không còn giao dịch thu, chi bằng tiền mặt tại Kho bạc tỉnh và các Kho bạc Nhà nước trực thuộc góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống Kho bạc Nhà nước đến năm 2025.

 Đồng thời đây cũng là bước đầu để góp phần hiện thực hóa Kho bạc số với mục tiêu "3 không" được xác định tại Chiến lược phát triển hệ thống Kho bạc Nhà nước đến năm 2030: không tiền mặt, không khách hàng giao dịch trực tiếp và không chứng từ giấy.

Việc thực hiện không còn giao dịch thu, chi bằng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước tỉnh và các Kho bạc Nhà nước trực thuộc giúp tiết kiệm chi phí và thời gian; đảm bảo an toàn chính xác, giảm thiểu rủi ro trong quản lý, minh bạch hóa trong thu chi tài chính. Đồng thời, đây cũng là xu thế chính hiện nay, góp phần cùng ngành Tài chính chuyển đổi số thành công.

Còn tại Kho bạc Nhà nước Phú Yên, ông Bùi Văn Sang, Phó Tổng giám đốc, Kho bạc Nhà nước Phú Yên đã triển khai đồng bộ các hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu ngân sách điện tử với các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, giảm thời gian thực hiện giao dịch và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. 

Bên cạnh các khoản thu ngân sách, các khoản thu phạt vi phạm hành chính bằng tiền mặt cũng được nộp trực tiếp và không phải trả phí nộp tiền tại trụ sở chính và các điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước Phú Yên đã ủy nhiệm thu.

Với các giải pháp trên, đến nay 94,5% số thu ngân sách nhà nước đã thực hiện qua các ngân hàng thương mại được Kho bạc Nhà nước Phú Yên ủy nhiệm thu và 4,5% số thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo phương thức điện tử.

Cùng với những giải pháp trên, ông Bùi Văn Sang cho biết, Kho bạc Nhà nước Phú Yên còn triển khai giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước, đáp ứng mục tiêu cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, rút ngắn thời gian, minh bạch về quy trình, hồ sơ chứng từ và nội dung kiểm soát. Sau 4 năm thực hiện, đến nay, 100% đơn vị dự toán đã tham gia dịch vụ công trực tuyến khi giao dịch với kho bạc (trừ khối an ninh - quốc phòng) và 98% đơn vị thuộc diện không bắt buộc cũng đã tham gia.

Để thực hiện theo đúng mục tiêu “Kho bạc 3 không”, Kho bạc Nhà nước cho biết, không chỉ cần nỗ lực từ phía các đơn vị của Kho bạc Nhà nước mà cần sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị sử dụng ngân sách, để cùng hướng tới mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục