Khó khăn của ngành thủy hải sản khi tìm cách khắc phục thẻ vàng IUU

17:21' - 23/08/2018
BNEWS Kể từ khi Uỷ ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam thì sản lượng xuất khẩu sang thị trường này bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty thủy sản Minh Phú, Cà Mau. Ảnh: Kim Há - TTXVN

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục thẻ vàng IUU, tuy nhiên hải sản Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đây là khẳng định của ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản – Tổng Cục Thủy sản tại hội nghị “Chống khai thác IUU ở Việt Nam và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp” tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 23/8.

Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu chững lại

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại – Hiệp Hội xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong số 177 thị trường tiêu thụ hải sản của Việt Nam, thị trường EU đứng thứ 2, mỗi năm mang về cho Việt Nam từ 350 - 400 triệu USD. Đây cũng là thị trường chiếm khoảng 16 - 17% trong tổng giá trị xuất khẩu hải sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, kể từ khi Uỷ ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam thì sản lượng xuất khẩu sang thị trường này bắt đầu có dấu hiệu chững lại, dù vẫn tăng trưởng dương.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2018, tổng lượng xuất khẩu hải sản sang châu Âu tăng trưởng 7,4% nhưng các chỉ số tăng trưởng từng mặt hàng đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đơn cử, nếu như cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng 22% thì 7 tháng đầu năm 2018 chỉ còn 10%.

Mặt hàng mực, bạch tuộc cũng chỉ còn 6%, rất thấp so với tăng 52% của cùng kỳ năm 2017. Cá biệt, mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng trưởng âm 16%, trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng trưởng dương 28%. Nhìn chung, xuất khẩu sang thị trường này có chiều hướng giảm sâu liên tục trong năm 2018 từ 4 - 20%.

Theo bà Lê Hằng, việc EC rút thẻ vàng IUU với hải sản Việt Nam đã gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu sang thị trường EU, thậm chí có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền tại nhiều thị trường xuất khẩu khác.

Phân tích về nguy cơ này, lãnh đạo Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại (VASEP) cho hay, trước mắt lượng hải sản xuất khẩu sang EU sẽ giảm. Về lâu dài, các khách hàng của thị trường này sẽ có tâm lý e ngại sản phẩm của Việt Nam và có thể ngừng mua hải sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, với việc bị rút thẻ vàng IUU, hải sản của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng từ các thị trường xuất khẩu khác. Các thị trường này có thể sẽ áp dụng các chương trình kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với các nước bị thẻ vàng.

Ngoài ra, trong thời gian bị rút thẻ vàng, tất cả container hải sản nhập khẩu của Việt Nam cũng bị giữ lại để kiểm tra từ 3-4 tuần. Điều này mất rất nhiều thời gian của doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí kiểm tra, chưa kể các chi phí lưu cảng khác, thậm chí có thể bị trả về.

“Thiệt hại trước mắt đối với các doanh nghiệp là rất lớn. Thậm chí, nếu những nỗ lực khắc phục của Việt Nam không được EC ghi nhận thì hải sản Việt Nam có thể phải nhận thẻ đỏ IUU. Việc này đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu sang EU”, bà Lê Hằng nhận định.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho biết, với việc bị EC rút thẻ vàng IUU, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong vấn đề chứng minh, chứng nhận nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm xuất khẩu.

Với những doanh nghiệp chỉ xuất khẩu một sản phẩm thì việc xin chứng nhận không quá khó. Nhưng, với những doanh nghiệp xuất khẩu nhiều mặt hàng như Công ty TNHH Hải Nam lại khá nan giải khi cùng một lúc phải chứng nhận nguồn gốc cho tất cả sản phẩm của mình.

Nỗ lực khắc phục thẻ vàng IUU

Chỉ ra những khó khăn trong việc khắc phục thẻ vàng IUU, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản – Tổng Cục Thủy sản cho rằng, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được cơ chế chỉ đạo, điều hành kịp thời, thông suốt từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo thực thi hiệu quả chống khai thác IUU.

Vẫn chưa có biện pháp phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả tàu cá Việt Nam vi phạm trong vùng biển nước ngoài khi mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm còn thấp, chưa tạo được sự răn đe.

Ngoài ra, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa kiểm soát chặt chẽ được tàu thuyền ta vào cảng, hoạt động của tàu thuyền trên biển và công tác xác nhận loài, sản lượng cập bến. Việc xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cũng chưa đáp ứng được quy định của châu Âu về kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm….

Để được EC ghi nhận và xóa bỏ thẻ vàng IUU, theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Việt Nam cần giải quyết dứt điểm 3 vấn đề. Đó là, phải ngăn chặn được tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở nước ngoài.

Trong nỗ lực của mình, Việt Nam đã hạn chế được tình trạng khai thác trái phép trong vùng biển ngoài khơi Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tại các vùng biển chồng lấn hoặc đang có tranh chấp giữa Việt Nam và các nước khác như Indonesia, Thái Lan, Malaysia…vẫn còn tình trạng tàu cá của Việt Nam bị các nước này bắt giữ.

“Đây là điều vô cùng bất lợi bởi dù tàu cá của Việt Nam không đánh bắt bất hợp pháp nhưng việc bị bắt giữ khiến hình ảnh và lòng tin của EC đối với Việt Nam sẽ bị giảm sút. Nếu như vấn đề chủ quyền trên biển vẫn chưa được làm sáng tỏ thì việc khắc phục thẻ vàng IUU là rất khó khăn”, ông Phạm Ngọc Tuấn nêu ý kiến.

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần tổ chức đội tàu phù hợp với nguồn lực của mình. Ông Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị giấy xác nhận nguồn gốc một cách trung thực, khách quan đối với tất cả những lô hàng xuất khẩu sang châu Âu để tạo niềm tin của thị trường này đối với hải sản Việt Nam.

Trong khi đó, bà Courtney Farthing, Thành viên Dự án chống khai thác bất hợp pháp của Tổ chức Pew Trusts cho hay, việc lấy được thẻ xanh IUU của EC là rất khó bởi đơn vị này có nhiều quy định nghiêm ngặt đối với các quốc gia bị rút thẻ vàng IUU.

Thực tế, một số nước, vùng lãnh thổ như Thái Lan, Trinidad and Tobago, Đài Loan (Trung Quốc)…dù đã bị rút thẻ vàng IUU từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa thể lấy được thẻ xanh IUU. Do vậy, theo bà Courtney Farthing, trước mắt Việt Nam cần có những cải thiện để EC thấy được nỗ lực của mình, tránh tình trạng bị rút thẻ đỏ IUU./.

>>>Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Doanh nghiệp gặp khó trong khâu xác nhận nguyên liệu khai thác

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục