Khó khăn trong bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí

21:44' - 23/07/2020
BNEWS Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Phượng cho rằng, cần có sự chung tay của các nhà báo trong việc phản ánh các vụ ăn cắp bản quyền báo chí.

Nhiều ý kiến về công tác quản lý báo chí, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, phối hợp tuyên truyền trong phòng, chống dịch COVID-19... và vấn đề bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí tiếp tục "nóng" trong cuộc họp Giao ban công tác quản lý nhà nước về báo chí 6 tháng đầu năm 2020, do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng tổ chức chiều 23/7.
Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, 6 tháng qua, công tác quản lý Nhà nước về báo chí được triển khai tích cực, thường xuyên rà soát, kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm các quy định về báo chí hoặc kiến nghị Cục Báo chí xử lý các trường hợp sai phạm.

Đồng thời, Sở thường xuyên chủ động hướng dẫn, triển khai Nghị định số 09/2017/NĐ-CP về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; hỗ trợ các sở, ngành kịp thời phát hiện và phản hồi thông tin báo chí nêu, góp phần ổn định dư luận xã hội, hạn chế khủng hoảng truyền thông.

Cũng theo bà Phượng, thời gian qua, báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến đời sống chính trị, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn, làm cầu nối giữa người dân và chính quyền thành phố; đồng thời tuyên truyền phản bác lại những thông tin sai lệch, luận điệu của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được các cơ quan báo chí tích cực quan tâm, phản ánh với hơn 6.500 tin, bài.
Tại giao ban, các nhà báo đã nêu nhiều vấn đề còn tồn tại trong hoạt động báo chí tại Đà Nẵng như: Một số lãnh đạo sở, ngành còn chưa thực hiện đúng quy chế phát ngôn, có biểu hiện "né tránh" báo chí; một số thông tin nêu trên báo chí vẫn chưa được địa phương quan tâm xử lý, phản hồi kịp thời...

Đặc biệt, nhiều nhà báo bức xúc trước vấn nạn ăn cắp bản quyền báo chí trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội có nhiều người tham gia. Cá biệt có trường hợp chủ nhân trang mạng xã hội còn thách thức khi bị nhà báo phản ánh.

Mới đây, cơ quan thường trú TTXVN tại Đà Nẵng cũng có loạt 3 bài phản ánh về vi phạm bản quyền báo chí và hướng giải quyết, nhưng đến nay sự việc vẫn đang tiếp diễn.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Phượng cho rằng, cần có sự chung tay của các nhà báo trong việc phản ánh các vụ ăn cắp bản quyền báo chí.

"Cho đến nay, Sở mới chỉ nhận được phản ánh chính thức của 1 nhà báo về vi phạm bản quyền, những trường hợp khác chỉ nhận được phản ánh bằng miệng hoặc trên mạng xã hội. Tôi đề nghị các nhà báo, phóng viên, những người là nạn nhân của các vụ vi phạm bản quyền có đơn thư kèm bằng chứng các vụ việc để cung cấp cho Sở kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả của từng vụ việc cụ thể."
Bà Phượng cũng cho biết, hiện nay nhiều trang tin điện tử viết về Đà Nẵng nhưng lại đặt trụ sở ở địa phương khác hoặc thậm chí là nước ngoài. Vì vậy rất khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý.

Sở đã gửi nhiều công văn đề nghị phối hợp kiểm tra, xử lý các trang web vi phạm cho Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Sở Thông tin và Truyền thông ở địa phương khác nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trong 6 tháng cuối năm, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đẩy mạnh kiểm tra, xử lý những vụ việc tương tự.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, hiện thành phố có 5 cơ quan báo chí địa phương và 113 văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các báo khác hoạt động tại Đà Nẵng. Tổng số nhân sự của các cơ quan báo chí là khoảng 800 người, trong đó có hơn 380 người được cấp thẻ Nhà báo.

Đến cuối tháng 6/2020, Sở ghi nhận hơn 94.000 tin, bài về thành phố đã được các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đăng tải, góp phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước./.

>>>Xử lý vi phạm bản quyền báo chí - Bài 1: Khi nhà báo là nạn nhân


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục