Xử lý vi phạm bản quyền báo chí - Bài 2: Tìm biện pháp xử lý triệt để

07:56' - 06/05/2020
BNEWS Thực tế cho thấy, có những trường hợp chính người làm báo đã vi phạm đạo đức báo chí, sao chép, đăng tải lại tin bài của phóng viên, cơ quan báo chí khác.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.

Trong đó quy định mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi “Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu”.

Đây là chế tài để ngăn chặn những tổ chức, cá nhân vi phạm, trả lại sự công bằng cho các cơ quan báo chí và người làm báo.

Nâng cao đạo đức báo chí

Thực tế cho thấy, có những trường hợp chính người làm báo đã vi phạm đạo đức báo chí, sao chép, đăng tải lại tin bài của phóng viên, cơ quan báo chí khác.

Để phòng tránh tình trạng này, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam (theo Quyết định số 1131/QĐ-HNBVN ngày 24/12/2018).

Trong đó, việc “Sao chép, chia sẻ, phát tán tin, bài, tác phẩm, âm thanh, hình ảnh có được bằng những cách thức không hợp pháp, vi phạm bản quyền” thuộc về Điều 4 “Những việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội”.

Theo bà Phan Hoàng Phương – Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo thành phố Đà Nẵng, thời gian qua, rất nhiều hội viên, nhà báo phản ánh về việc các trang tin điện tử, trang tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội tự ý sao chép nguyên văn tin, bài mà không dẫn nguồn, hoặc dẫn nguồn sơ sài, không được sự thỏa thuận của các cơ quan báo chí, vi phạm vào Điều 4 nêu trên.

Đây là hành vi thiếu tôn trọng công sức của cá nhân, tập thể đã dày công hình thành nên một sản phẩm báo chí.

Để khắc phục việc này, người đứng đầu cơ quan chủ quản có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Quy tắc sử dụng mạng xã hội.

Đồng thời, trên cơ sở Quy tắc, căn cứ đặc thù riêng, mỗi cơ quan báo chí xây dựng quy tắc riêng nhằm điều chỉnh hành vi người làm báo thuộc cơ quan mình khi sử dụng mạng xã hội; tổ chức kiểm tra, giám sát, chặt chẽ cộng tác viên, phóng viên, người làm báo.

Đặc biệt, các cơ quan báo chí khi phát hiện việc vi phạm bản quyền cần mau chóng liên lạc với lãnh đạo cơ quan chủ quản có vi phạm, yêu cầu gỡ ngay nội dung đã sao chép.

Nếu yêu cầu không được chấp nhận, cần có văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước về báo chí để xác định mức độ vi phạm, xử lý một cách nghiêm khắc theo quy định.

Chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử

Thực hiện chỉ đạo theo Công văn số 3835/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 29/10/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đang quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này.

Hiện nay, bên cạnh các phần mềm nghiệp vụ, Sở có bộ phận thường xuyên theo dõi thông tin trên Internet, định kỳ hàng ngày, tổng hợp các thông tin và phân loại để xử lý.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết: Từ tháng 8/2019 đến nay, sau khi nhận được kiến nghị chính thức của một nhà báo hoạt động tại thành phố Đà Nẵng, Sở đã chủ động làm việc với chủ sở hữu trang thông tin điện tử tổng hợp “danangz.vn” (do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cấp phép), yêu cầu chủ sở hữu viết cam kết không được vi phạm bản quyền.

Còn đối với trang thông tin điện tử tổng hợp “danang24h.vn” (do Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An cấp phép), trang “yeudanang.org” và một số trang khác không xác định được chủ sở hữu nên Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng gặp khó khăn trong quản lý.

Sở đã ban hành 2 công văn đến Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An và 3 công văn đến Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.

Thông tin điện tử là loại hình phi biên giới, để quản lý được là điều hết sức khó khăn. Hiện nay, cấp Sở không thể đề nghị các đơn vị cung cấp hạ tầng viễn thông chặn các tên miền vi phạm pháp luật, điều này khiến cho việc quản lý khó càng thêm khó.

Liên tục những năm gần đây, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng chặn một số tên miền, trong đó có “yeudanang.org” nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để.

Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông các quy định về thông tin điện tử nói chung và Nghị định 15/2020/NĐ-CP nói riêng.

“Sau khi tiếp nhận phản ánh của các nhà báo, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đã cử bộ phận liên quan liên hệ trực tiếp với các nhà báo, đề nghị có thông tin chính thức để đủ căn cứ xử lý. Tuy vậy, mới chỉ có một nhà báo phối hợp cung cấp thông tin cụ thể cho Sở. Qua đây, tôi cũng đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục hỗ trợ công tác tuyên truyền về lĩnh vực thông tin điện tử, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở trong việc phát hiện và xử lý các trang thông tin điện tử tổng hợp vi phạm.” – bà Nguyễn Thị Phượng cho biết.

Bài cuối: Không khoan nhượng với vi phạm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục