Khơi dậy tiềm năng sáng tạo trẻ

16:07' - 13/02/2019
BNEWS Cách mạng công nghiệp 4.0 đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành nghiên cứu, đào tạo, sản xuất...của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trước sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, theo nhận định của các chuyên gia về giáo dục, tư duy sáng tạo là chìa khóa giúp con người làm chủ kỷ nguyên mới, nhất là các thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước.

Tại Đồng Tháp, sức sáng tạo của trẻ luôn được chú trọng để tạo ra những giá trị thiết thực.

Trưng bày dự án "Ngôi nhà chống ngập ở nơi vùng lũ" của nhóm tác giả Nguyễn Thành Trung và Mai Thành Nhân, trường THCS Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

*Ươm mầm tài năng trẻ

Từ năm 2005 đến nay, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng đã thực sự trở thành hoạt động thân thiết với các em học sinh lứa tuổi 6-19 trên toàn tỉnh.

Qua hơn 10 lần tổ chức, cuộc thi đã chứng tỏ được sức lan tỏa mạnh mẽ với sự tham gia của 12/12 huyện, thị xã, thành phố, thu hút các thí sinh ở cả 3 độ tuổi thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

heo thống kê của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, chỉ trong năm 2018, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng đã tiếp nhận 1.526 mô hình, sản phẩm dự thi.

Đáng chú ý, sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế,… xuất hiện ngày càng nhiều đề tài, thể hiện sự đầu tư về trí tuệ của các em.

“Mô hình thiết bị xử lý khí thải khi đốt rác” là một trong 153 mô hình, sản phẩm được lựa chọn tranh tài ở Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh năm 2018. Chủ nhân sản phẩm, em Võ Trần Hoài Hạnh - lớp 9A1, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Tre, huyện Tháp Mười cho biết, đốt rác ở một số nơi khiến cho không khí xung quanh tác động xấu đến môi trường, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nên em đã có ý tưởng này. Hoạt động của mô hình dựa trên tính năng của than hoạt tính, sử dụng than hoạt tính để hút và hấp thụ các khí độc trong quá trình đốt rác.

Đồng hành cùng các cuộc thi sáng tạo khác để tìm kiếm các giải pháp mới, tiềm năng, các nhà khoa học nhí, Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh Trung học cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật và Đoàn Thanh niên tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức thường niên. Qua đó, cuộc thi thu hút hàng trăm dự án tham gia.

Đoạt giải Ba trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh Trung học năm học 2018 – 2019, mô hình “Tưới nước thông minh” của em Nguyễn Lê Hoàng Gia, học sinh lớp 9A1, Trường Trung học Cơ sở Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự được đánh giá mang tính ứng dụng thực tiễn cao.

Từ ý tưởng giảm công lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, Hoàng Gia đã tận dụng từ những linh kiện, thiết bị gia đình bị hỏng không còn sử dụng như motor của máy giặt, bộ điều khiển hẹn giờ từ bếp nướng, cảm biến nhiệt độ, bec-phun để thiết kế mô hình tưới nước có thể tự động tắt mở tưới nước, phun sương theo thời gian hẹn giờ và theo nhiệt độ, độ ẩm môi trường đo được.

Ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết Cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh Trung học tỉnh Đồng Tháp có sự tham gia của gần 200 học sinh đến từ các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Các thí sinh dự thi với hơn 100 dự án thuộc 22 lĩnh vực của 4 nhóm lĩnh vực gồm: kỹ thuật cơ khí, khoa học xã hội hành vi, phần mềm hệ thống nhúng, hóa sinh – môi trường.

Đây là năm có số lượng dự án khoa học, kỹ thuật nhiều nhất trong 3 năm gần đây; đồng thời, sự vượt trội, mang tính thiết thực, có giá trị ứng dụng cao.

*Tư duy sáng tạo - tạo đà khởi nghiệp

Trưng bày dự án "Tận dụng năng lượng gió vận hành máy sục khí cho ao nuôi tôm". Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp ngay từ nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tỉnh Đoàn và các cơ quan liên quan tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” dành cho học sinh Trung học Phổ thông năm học 2017 - 2018.

Từ tháng 6/2017 đến tháng 2/2018, đã có 747 hồ sơ đăng ký tham dự Vòng sơ khảo của học sinh 43 trường Trung học phổ thông trong tỉnh.

Bằng nhiều nỗ lực nghiên cứu sáng tạo, sản phẩm “Terrarium” hay còn gọi là “Hệ sinh thái tự dưỡng thu nhỏ” của em Đặng Nhựt Hào, học sinh lớp 11H (Chuyên Hóa), Trường Trung học Phổ thông Chuyên Nguyễn Quang Diêu đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.

Nhựt Hào chia sẻ, thay vì chiếm diện tích khá lớn trong không gian sống, “Terrarium” sẽ mang đến một hệ sinh thái nhân tạo thu nhỏ với những loại thực vật khác nhau được trồng và phát triển trong các bình thủy tinh trong suốt.

Nó cho phép ánh sáng, nhiệt độ hấp thụ và tạo ra các yếu tố cần thiết cho một hệ sinh thái như vòng tuần hoàn nước, vòng tuần hoàn khí,... vào bên trong bình kính. Mô hình này không chỉ vừa “mát mắt” mà còn tiết kiệm diện tích.

Bước ra cuộc thi từ ý tưởng “khác người”, sản phẩm của Nhựt Hào được biết đến nhiều hơn. Hiện tại, Nhựt Hào đã thành lập được nhóm có cùng đam mê và mỗi tháng có hơn 30 sản phẩm ra đời, chủ yếu theo đơn đặt hàng. Theo Nhựt Hào, giá mỗi sản phẩm dao động từ 50.000 đồng - 500.000 đồng.

Để phát triển sản phẩm, Nhựt Hào đang nghiên cứu lắp thêm đèn sử dụng pin và nuôi cả côn trùng, dế... trong lọ nhằm tạo sự độc đáo và đa dạng cho sản phẩm.

Hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên, phát huy vai trò chủ thể của thanh niên trong việc "lập thân - lập nghiệp", Tỉnh Đoàn Đồng Tháp đã triển khai một số nội dung hỗ trợ như: thành lập các câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế, tổ hợp tác; tìm kiếm ý tưởng kinh doanh áp dụng vào cuộc sống, tuyên dương những thanh niên kinh doanh giỏi, tổ chức cuộc thi dự án khởi nghiệp...

Bắt đầu từ năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Đồng Tháp phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Qua 2 năm triển khai, cuộc thi thu hút gần 150 ý tưởng, dự án tham gia thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ - du lịch, khoa học - công nghệ,… tham dự.

Cũng từ đây, nhiều dự án đã thẳng tiến vào các cuộc thi khởi nghiệp cấp khu vực và quốc gia, “lọt vào mắt xanh” của các nhà đầu tư.

Đơn cử như dự án “Hương Đồng Tháp” của cô gái Đoàn Ngọc Minh Thùy. Cuốn hút từ mùi hương của hoa sen, hoa tràm,…cùng trăn trở biến những phụ phẩm nông nghiệp thành những giọt tinh dầu 100% thiên nhiên, nguyên chất để phục vụ cho nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp, đồng thời góp phần tăng thêm chuỗi giá trị kinh tế cho người nông dân, các sản phẩm tinh dầu đặc trưng chiết xuất từ các sen, bưởi, tràm...của Minh Thùy đã được đón nhận.

Đặc biệt, dự án này còn được Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Startup Vietnam Foundation - SVF) ký kết hợp tác tiêu thụ 23 loại tinh dầu cho một hệ thống khách sạn 5 sao tại Vũng Tàu ngay trong lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Đồng Tháp và SVF vào tháng 5/2017.

Không ít lần có mặt tại các Diễn đàn gặp gỡ thanh thiếu niên, ông Lê Minh Hoan,Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ với các cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên nhiều bài học hay, truyền cảm hứng cho tuổi trẻ Đất Sen hồng tiếp tục sáng tạo, khởi nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động sâu đến đời sống xung quanh.

Con người hiện nay, nhất là vai trò trụ cột của thanh niên nếu không đổi mới, sáng tạo sẽ không phát triển.

Muốn thành công, trước hết mỗi đoàn viên, thanh niên cần phải có đam mê, khát vọng; nâng cao kỹ năng làm việc nhóm; tích cực trau dồi, học hỏi những kiến thức mới.

Các ngành, đoàn thể địa phương luôn chắt chiu, trân trọng từng ý tưởng sáng tạo, dự án khởi nghiệp của từng cá nhân và đồng hành hỗ trợ tìm ra hướng đi thích hợp nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục