Khởi động giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản

17:51' - 31/07/2018
BNEWS Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4/2003, là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.
Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Chiều 31/7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (thuộc Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản - Keidanren) tổ chức cuộc họp cấp cao Ủy ban hỗn hợp để khởi động giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản.
Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4/2003, là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Qua hơn 15 năm, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã được thực hiện 6 giai đoạn, với tổng số 473 tiểu hạng mục trong Kế hoạch hành động.

Tại cuộc họp cấp cao Đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VI vào ngày 7/12/2017, hai bên đã thống nhất tiếp tục triển khai giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết số 01/NQ-CP đã đề ra phương châm kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả. Trong đó, xác định doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quyết liệt triển khai thực hiện và đã đạt được hiệu quả đáng khích lệ.
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đã đạt được những thành tựu to lớn và ngày càng tốt đẹp, tô thắm thêm mối quan hệ tốt đẹp vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á. Năm 2018 hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, với sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước, hợp tác Việt Nam – Nhật Bản ngày càng được mở rộng, nâng cao trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, an ninh, quốc phòng đến kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giao lưu nhân dân, đặc biệt với việc đều là thành viên tích cực góp phần dẫn đến việc Hiệp định hợp tác thương mại tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết. Việt Nam đang trở thành miền đất hứa hẹn mang đến thành công cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản.
Sau quá trình làm việc tích cực trên tinh thần hợp tác, hai bên Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất nội dung Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VII bao gồm một số vấn đề tồn tại của giai đoạn VI và một số nội dung mới phía Nhật Bản quan tâm và mong muốn trao đổi với các bộ, ngành phía Việt Nam. Việc hoàn thành xây dựng bản Kế hoạch hành động đánh giá sự khởi động tốt đẹp của Giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.
Kế hoạch hành động giai đoạn VII gồm 10 nhóm vấn đề, trong đó 9 nhóm vấn đề đã được thống nhất với dự kiến. 65 tiểu hạng mục do phía Nhật Bản đề xuất liên quan đến: Những quy định về đầu tư vào Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật đất đai và các luật khác liên quan đến đầu tư kinh doanh; Thúc đẩy công khai thông tin như án lệ, minh bạch hóa chức năng toàn án; Các vấn đề về Luật đất đai và đăng ký bất động sản, công khai thông tin liên quan; Cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thị trường chứng khoán; Thúc đẩy công nghiệp hóa có năng lực cạnh tranh quốc tế; Lao động và tiền lương; Khung chính sách về hợp tác công-tư (PPP); Hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng đường ống dẫn khí trong vùng đô thị và vùng ven đô; Thành lập công ty và mở chi nhánh trong lĩnh vực dịch vụ; Cơ chế trả lời bằng công văn sẽ được hai bên tiếp tục thảo luận về khả năng đưa vào Kế hoạch hành động giai đoạn VII.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cuộc họp cấp cao lần này đã làm rõ hơn những nội dung mà hai bên cùng quan tâm, đặt ra, đó là yêu cầu hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai bên để giải quyết những vấn đề vướng mắc hiện nay.

Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các nhóm công tác phía Nhật Bản cùng với các Bộ, ngành phía Việt Nam đã tích cực thảo luận nhằm thống nhất nội dung hành động. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu sâu rộng như hiện nay, với những cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế mới, sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản cần tập trung vào phương pháp tiếp cận mới, những cách thức triển khai mới, phù hợp với thực tế hơn nhằm đạt được những hiệu quả cao hơn và tích cực hơn nữa.
Ngài Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, những nội dung trong Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VII là những chủ đề thể hiện đầy đủ của sự phát triển của nền kinh tế của Việt Nam.

Điều này nhằm mục đích phát triển hơn nữa về mặt chất của đời sống nhân dân cũng như là nâng cao tính cạnh tranh quốc tế; đặc biệt thông qua tăng cường về chất, chứ không phải về lượng của đầu tư. Ngài Đại sứ kỳ vọng rằng, sáng kiến này sẽ mang lại kết quả tốt đẹp.
Tuy nhiên, ngài Đại sứ cũng chỉ ra, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức độ thấp trong khối ASEAN, để Việt Nam phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh quốc tế cao, Việt Nam cần có giải pháp nâng cao năng suất lao động.

“Nội dung nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, nội dung này sẽ góp phần vào phát triển kinh tế Việt Nam”, ngài Umeda kỳ vọng.
Tại phiên họp, hai bên cũng thống nhất thời gian triển khai giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản là 17 tháng, từ tháng 8/2018 đến cuối năm 2019. Trong đó, có hai cuộc họp đánh giá giữa kỳ vào cuối năm 2018 và giữa năm 2019 và một cuộc cấp cao để đánh giá kết quả thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VII vào cuối năm 2019; đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, và hai Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đã ký kết Biên bản ghi nhớ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VII./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục