Khởi nghiệp từ nghề chăn nuôi bò sữa

08:57' - 08/06/2017
BNEWS Hơn 10 năm gắn bó với nghề chăn nuôi bò, chị Xuân đã xây dựng được một trang trại chăn nuôi bò sữa bề thế.
Người phụ nữ đảm đang, dựng nghiệp từ nghề chăn nuôi bò sữa. Ảnh: TTXVN

Chị Mạch Thị Trường Xuân, cư ngụ tại ấp Tân Tỉnh A, xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho trước đây rất nghèo khó. Lúc khởi nghiệp, gia đình chị chỉ có 250 m2 đất canh tác. Trồng trọt không sinh lợi bao nhiêu, chị từng phải làm đủ thứ nghề trong một thời gian dài để kiếm sống, từ buôn bán trái cây, rau màu đến chăn nuôi lợn, gà... Tuy nhiên, thu nhập cũng không cải thiện là bao.

Kinh tế gia đình chị Xuân đã có bước ngoặt thay đổi từ khi chương trình chăn nuôi bò thịt, bò sữa được thành phố Mỹ Tho triển khai. Thời điểm đó vào khoảng năm 2005 – 2006, công tác khuyến nông, trợ giúp vốn chăn nuôi bò được lãnh đạo địa phương quan tâm. Là phụ nữ nghèo khao khát lập thân, lập nghiệp, chị Xuân thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật.

Mặt khác, chị gom góp vốn dành dụm và vay thêm ngân hàng làm chuồng trại chăn nuôi 4 con bò thịt. Bên cạnh đó, chị tìm mua bã bia, tận dụng đất quanh nhà trồng cỏ chăn nuôi để làm thức ăn cho bò, áp dụng các biện pháp kỹ thuật được hướng dẫn chăn nuôi, tiêm phòng dịch bệnh phòng chống bệnh tật…

Buổi đầu khởi nghiệp gặt hái được nhiều thành công. Chịu khó làm ăn, tiết kiệm chi tiêu, chị có thu nhập khá từ nghề chăn nuôi bò thịt. Trả nợ xong, chị còn dư vài trăm triệu đồng làm vốn tái sản xuất. Đến năm 2007, được dự các cuộc hội thảo, tập huấn khuyến nông chuyên đề chăn nuôi bò sữa và tham quan các trại chăn nuôi bò sữa tại Thành phố Hồ Chí Minh, chị Xuân mạnh dạn chuyển từ nuôi bò thịt sang nuôi bò sữa.

Chị Xuân cho biết, nuôi bò sữa không khó về mặt kỹ thuật chăm sóc, điều kiện chăn nuôi đảm bảo lại mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi bò thịt. Chị đã đầu tư cải tạo lại chuồng trại phù hợp với đối tượng nuôi mới; đồng thời, đầu tư mua 5 con bò sữa về nuôi.

Nhằm bảo đảm thành công, chị Xuân tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ khuyến nông địa phương, từ chọn giống, chăm sóc, phòng trị dịch bệnh cho đàn bò sữa. Ngoài ra, chị còn kinh doanh những dịch vụ liên quan đến bò sữa như: mua bán bã bia, thức ăn tinh, bột mì… nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho kinh tế gia đình.

Sau vài năm gắn bó với nghề chăn nuôi bò sữa, chị đã hoàn vốn đầu tư ban đầu và có lãi. Tính riêng nguồn sữa, mỗi con bò sữa cho lãi 100.000 đồng/ngày. Công việc kinh doanh thức ăn cho bò cũng phát triển với nguồn lãi trên 400.000 đồng/ ngày.

Có vốn, điều kiện, kiến thức chăn nuôi, chị mở rộng qui mô đàn bò sữa lên 30 con trong chuồng, thuê thêm 1 ha đất chuyên trồng cỏ chăn nuôi bò sữa. Ngoài ra, chị Xuân còn đầu tư hai máy vắt sữa bò, trang bị thêm máy cắt và xay cỏ.

Theo chị, đây là những thiết bị hết sức cần thiết nhằm mục tiêu cơ giới hóa các khâu chăn nuôi bò sữa, vừa đảm bảo năng suất, sản lượng, chất lượng sữa bò vừa giảm chi phí, tiết kiệm được công lao động. Cùng với đó, để bảo vệ đàn bò sữa, phòng chống dịch bệnh một cách chủ động, an toàn, hàng tuần chị Xuân đều phun thuốc sát trùng, vệ sinh chuồng trại; 6 tháng một lần thuê bác sĩ thú y đến tiêm phòng tụ huyết trùng, lở mồm long móng.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề chăn nuôi bò, chị Xuân đã xây dựng được một trang trại chăn nuôi bò sữa bề thế. Cuộc sống gia đình chị sang một trang mới, trở thành tỉ phú ngoại thành thành phố Mỹ Tho, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Trong năm qua, chị Xuân đạt doanh thu từ chăn nuôi bò sữa và kinh doanh những sản phẩm phục vụ chăn nuôi bò sữa gần 1,4 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi gần 500 triệu đồng.

Ông Lê Ngọc Hóa, Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ Chánh đánh giá, chị Xuân là người phụ nữ cần cù, chịu khó, tạo dựng cơ nghiệp vững vàng, là một "mạnh thường quân" tích cực hưởng ứng các công tác từ thiện, xã hội, nhân đạo, ủng hộ xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Mỗi năm, chị góp hàng chục triệu đồng xây dựng các công trình công ích tại địa phương. Chị thường xuyên giúp đỡ những người nghèo khó về vốn liếng, kỹ thuật chăn nuôi, cho mượn thức ăn trả chậm…

Nhờ sự hỗ trợ của chị, hàng năm có từ 5 – 6 hộ nghèo ở ấp Tân Tinh A được công nhận thoát nghèo. Xã Tân Mỹ Chánh được công nhận là xã đầu tiên của tỉnh Tiền Giang đạt tiêu chí nông thôn mới.

Thành quả đó có sự đóng góp thầm lặng, đầy tình tương thân tương ái của người phụ nữ sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu tỉnh Tiền Giang. Sản xuất giỏi và có nhiều đóng góp cho cộng đồng, chị Mạch Thị Trường Xuân vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục