Nâng cao thu nhập nhờ nuôi bò ở Sóc Trăng

11:44' - 14/05/2017
BNEWS Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có đàn bò khoảng 45.000 con, trong đó có hơn 10.000 bò sữa, số còn lại là bò thịt và bò lai Sind.
 Nông dân Khmer ở Long Phú (Sóc Trăng) trồng cỏ nuôi bò cho hiệu quả cao.  Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Nhờ chăn nuôi bò, nhất là bò sữa mà nhiều hộ dân nghèo, hộ đồng bào Khmer, hộ thiếu đất sản xuất ở Sóc Trăng đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo với thu nhập ổn định.
Thực hiện Dự án Phát triển chăn nuôi bò thịt đến năm 2020 và định hướng đến 2025, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu tăng đàn bò thịt, bò sữa của tỉnh lên 100.000 con vào năm 2020 và 200.000 con vào năm 2025.
Trong thời gian gần đây, nhờ chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước cho hộ nghèo ở nông thôn như: hỗ trợ vốn, cho vay lãi suất ưu đãi, hỗ trợ con giống, kỹ thuật chăm sóc… mà đàn bò ở Sóc Trăng tăng nhanh, nhất là ở vùng đồng bào Khmer như: Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị và các địa phương có nguy cơ hạn mặn, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Tại xã Long Phú, huyện Long Phú với 78% dân số là đồng bào Khmer và đây cũng là địa phương có phong trào phát triển đàn bò thịt khá nhanh.
Theo ông Quách Kim Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Long Phú, toàn xã hiện có gần 1.100 con bò thịt, tăng gấp hai lần so với hai năm trước. Lượng bò tăng nhanh là do chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi chăn nuôi thay cho cây lúa dễ bị ảnh hưởng của hạn mặn và giúp người nông dân tăng thu nhập bền vững.
Anh Sư Tùng, Phó bí thư Chi bộ ấp nước Mặn 2, xã Long Phú và cũng là hộ có truyền thống nuôi bò thịt từ nhiều năm nay cho biết, 5 năm trở lại đây gia đình đều cho xuất chuồng 6 con bò giống và bò thịt/năm, thu về từ 80 - 120 triệu đồng/năm.
Hiện anh dành hẳn 2 công đất (2.000m2) làm lúa để trồng cỏ cho bò và còn thu mua thêm rơm dự trữ cho bò ăn khi khan hiếm nguồn thức ăn.
Theo anh Tùng, nếu so làm lúa với trồng cỏ nuôi bò thì cho thấy, trồng cỏ nuôi bò “khỏe” hơn nhiều và thu nhập cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần. Chẳng hạn như nếu làm một công đất lúa, lợi nhuận cao lắm chỉ được 3 triệu đồng/năm/công (tức 30 triệu đồng/ha), còn một công trồng cỏ, nuôi thêm 4 con bò thì lợi nhuận ít nhất cũng 40 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, nuôi bò còn có thêm nguồn lợi phụ như: có thêm phân bò để bón ruộng, cho cỏ tốt thêm, dùng không hết bán phân cũng được 12.000 đồng/bao. Trồng cỏ thì công chăm sóc, chi phí it hơn so với trồng lúa và bò ăn không hết có khi bán được gần 1.000 đồng/kg…
Mặc dù chưa bán được bò, nhưng hộ anh Nguyễn Văn Linh cùng ở ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú cũng nuôi tới 6 con bò. Gia đình anh bắt đầu nuôi từ 2 năm trước, từ 2 con bò mẹ và đẻ ra con nào nuôi con đó nên giá trị số bò bây giờ cũng cả trăm triệu đồng.

Theo anh, việc nuôi bò không sợ lỗ như nuôi lợn bởi lợn quá lứa khó bán, giá bấp bênh, còn nuôi bò giá ổn định, bán không được để đó cho đẻ thêm và công sức, thức ăn cũng không mất nhiều.
Chính vì lẽ đó nên không chỉ ở Long Phú mà nhiều địa phương khác trong tỉnh Sóc Trăng cũng đang quan tâm phát triển đàn bò thịt. 

Đàn bò thịt ở Sóc Trăng không ngừng tăng nhanh. Ảnh: Trung Hiếu

Với những hộ kinh tế khó khăn, để tạo sinh kế cho người dân phát triển, một số Chương trình, dự án Quốc gia cũng đã hỗ trợ dân bò giống như tổ chức Heifer quốc tế tại Việt Nam mới đây đã tiến hành trao hỗ trợ bò giống cho người dân nghèo, chủ yếu là hộ đồng bào Khmer ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. 

Trong đợt vừa qua, đã có 14 hộ dân được cấp 28 con bò sữa (mỗi hộ 2 con) để nuôi, sau 2 - 3 năm sẽ chuyển giao lại cho hộ khác 2 con bò con mà bò mẹ đẻ ra.

Dự án phát triển bò sữa ở Sóc Trăng có sự tham gia của tổ chức Heifer Việt Nam được triển khai từ tháng 7/2014 đến tháng 6/2019, với quy mô chuyển giao bò giống cho 2.000 hộ dân ban đầu hoạt động theo nhóm của dự án và sẽ có thêm khoảng 6.000 hộ dân khác được hưởng lợi gián tiếp.

Tổng kinh phí cho cả giai đoạn là 88 tỷ đồng, trong đó Heifer Việt Nam hỗ trợ 20 tỷ đồng, tỉnh Sóc Trăng 20 tỷ đồng và số còn lại các hộ dân tham gia đối ứng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục