Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

07:55' - 22/03/2024
BNEWS Không chỉ là cô nông dân thực thụ, chị Trần Thị Trúc Phương còn chủ động sắp xếp thời gian đăng ký tham dự các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo trực tuyến, trực tiếp với nhiều nội dung bổ ích.

Với niềm đam mê, năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên làm giàu từ tài nguyên bản địa, chị Trần Thị Trúc Phương (sinh năm 1983, ở xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) quyết định khởi nghiệp với việc trồng hoa giấy và đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ vậy, tại Hội thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Bến Tre năm 2023, Dự án "Cái Mơn farm" của chị Phương và các cộng sự đã xuất sắc đoạt giải Nhất chung cuộc (bảng thi Dự án). Chị Phương chia sẻ, Dự án được thực hiện từ mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và đưa du lịch cộng đồng gắn với làng nghề hoa kiểng Cái Mơn.

 

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất được xem là "vương quốc" hoa, cây cảnh của tỉnh Bến Tre, hằng năm cung cấp hàng chục triệu sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước, ngay từ nhỏ, chị Trần Thị Trúc Phương đã có tình yêu mãnh liệt đối với những loài hoa, đặc biệt là vẻ đẹp rực rỡ sắc màu của loài hoa giấy.

Chị Phương cho biết, trước đây, gia đình chị sản xuất đa dạng các loại hoa, cây cảnh từ mai vàng, kiểng tắc (quất cảnh)… nhưng do thời tiết nắng hạn kéo dài nên chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều. Năm 2020, chị quyết định khởi nghiệp từ việc chuyên canh loài hoa giấy sau quãng thời gian 14 năm làm việc trong cơ quan nhà nước.

Theo chị Phương, hoa giấy ưa nắng và chịu hạn tốt nên sinh trưởng, phát triển rất nhanh, sau 6-8 tháng chăm sóc là có thể xuất bán. So với nhiều loại cây trồng khác, hoa giấy rất dễ chăm sóc. Cực nhất là lúc cây giống còn nhỏ, cần quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Ngoài ra, phải canh thời điểm thay chậu để cây tập trung phát triển vào bộ rễ, rễ càng đẹp bán càng có giá.

Chị Phương đang trồng hơn 1.000 gốc giống hoa giấy nguyên thủy có màu tím, thường gốc hoa này sẽ được ghép thêm màu sắc trước khi đưa ra thị trường. Đi tham quan vườn hoa giấy, chị tranh thủ bới đất xung quanh gốc hoa. Chỉ vài thao tác nhẹ, một gốc hoa có bộ rễ uốn lượn, đan vào nhau dần hiện ra. Thường những gốc đẹp giá cao hơn, dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng/gốc. Với mức giá hiện tại, trừ phần đầu tư giống ban đầu, công chăm sóc, phân bón… cây hoa giấy mang lại lợi nhuận kinh tế ổn định.

Là "phái yếu" nhưng công đoạn nào trong nghề trồng hoa giấy chị Phương cũng am hiểu. Chị đang sưu tầm nhiều loại giống khác nhau về ghép, tạo cho vườn hoa đa dạng màu sắc, đáp ứng nhu cầu, sở thích của khách hàng. Theo chị Phương, để có một chậu hoa giấy đẹp, ưng ý phải trải qua công đoạn ghép phôi. Cách ghép cũng đơn giản nhưng trước tiên phải chọn gốc ghép có hình dáng lạ; tược ghép (bo ghép) thì sẽ chọn cây mập mạp, cứng cáp, không chọn phần bo quá non hoặc quá già, tỷ lệ sống sẽ không cao. Đặc biệt, các công đoạn ghép cành được thực hiện trong mát hoàn toàn, ghép xong mắt nào thì dùng bọc nylon bao lại. Khoảng nửa tháng trở lên, thấy cây đâm chồi non xem như thành công một nửa. Muốn cho chắc phải để thêm một tuần rồi tháo bọc… Khi mắt ghép đã dính hoàn toàn và phát triển ổn định, có thể đem ra ngoài nắng để chăm sóc.

Không chỉ là cô nông dân thực thụ trên mảnh vườn, chị Trần Thị Trúc Phương còn chủ động sắp xếp thời gian đăng ký tham dự các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo trực tuyến, trực tiếp với nhiều nội dung bổ ích. Nhờ đó, chị được giao lưu, học hỏi và tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ các khóa học và cũng là cơ hội để chị được mang sản phẩm của địa phương giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài tỉnh.

Thay vì chỉ sử dụng mạng xã hội kết nối, giao lưu với bạn bè, cô nông dân Trần Thị Trúc Phương còn xem đây là kênh hiệu quả để tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm hoa giấy Cái Mơn. Ngoài đăng tải đầy đủ hình ảnh các chủng loại hoa giấy, chị còn đăng các video thực tế về việc trồng, chăm sóc cây, đánh giá của khách hàng về sản phẩm…, tham gia vào các nhóm bạn bè cùng chung nghề ở khắp mọi miền đất nước qua Facebook.

Nhờ cách làm linh hoạt, nhiều sản phẩm hoa giấy của chị đã tìm được đầu ra, không chỉ bán trong huyện, tỉnh mà còn xuất bán đi nhiều tỉnh, thành trong và ngoài nước… Khách hàng của chị chủ yếu là bạn bè trên trang cá nhân, cũng có những khách hàng mới khi chị chia sẻ vào các trang hội, nhóm thấy được quá trình trồng, chăm sóc hoa, nên cảm thấy thú vị và tin tưởng chọn mua.

Ngoài việc khởi nghiệp làm giàu chính đáng cho bản thân, tháng 1/2023, chị Phương mạnh dạn thành lập Câu lạc bộ hoa giấy Cái Mơn với 15 thành viên là những người trồng hoa giấy đến từ 3 xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành và Phú Sơn, huyện Chợ Lách, Bến Tre. Câu lạc bộ do chị Phương làm chủ nhiệm là nơi kết nối niềm đam mê, đồng thời khuyến khích, đẩy mạnh phong trào chơi hoa giấy tại địa phương. Từ đó, phát huy tinh thần đoàn kết, tính sáng tạo cùng nhau chia sẻ và phát triển những sản phẩm mới, đẹp, độc, lạ phù hợp xu thế của thị trường; nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp, đa dạng hơn đáp ứng nhu cầu của khách hàng; xây dựng các khu vườn có cảnh quan đẹp, độc đáo phục vụ phát triển du lịch farmstay.

Năm 2023, chị Phương cùng các cộng sự sáng lập Dự án "Cái Mơn farm" với mục tiêu là kết hợp nông nghiệp và du lịch; khai thác nguồn tài nguyên, văn hóa phong phú của huyện Chợ Lách để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và đưa du lịch cộng đồng gắn với làng nghề hoa kiểng Cái Mơn…

Gắn bó với Dự án "Cái Mơn farm" với vai trò phụ trách công nghệ, anh Tống Hữu Toàn – Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mekong Invention Back Office (chuyên về phần mềm và trí tuệ nhân tạo - truyền thông đa phương tiện) cho biết, nhận thấy nông dân địa phương và các vùng lân cận chủ yếu bán sản phẩm thô, thu nhập theo mùa nên nhóm phát triển hình thức trải nghiệm thân thiện kết hợp cung cấp cây giống, hoa cảnh… Từ khi phát triển nội dung trên mạng xã hội, hoa giấy Cái Mơn được nhiều người biết đến. Đó là động lực để nhóm sản xuất tiếp những video hay hơn. Tuy nhiên, nhóm xác định, quan trọng nhất phải tạo ra sản phẩm chất lượng, đa dạng mẫu mã mới níu chân được khách hàng. Kỳ vọng từ Dự án Cái Mơn farm trong thời gian tới là xây dựng hệ sinh thái kết nối sản phẩm địa phương vào việc phát triển điểm đến trải nghiệm "lối sống xanh", hình thành mô hình chuỗi - lưới liên kết tận dụng nguồn lực địa phương và công nghệ.

Tâm huyết với làng nghề truyền thống địa phương, chị Phương chọn về công tác tại Hợp tác xã Cây giống và Hoa kiểng Cái Mơn với mong muốn phát huy, cống hiến sức trẻ, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã cây giống và Hoa kiểng Cái Mơn Dương Văn Huyền cho biết, chị Trần Thị Trúc Phương là cán bộ trẻ, có chuyên môn được đào tạo bài bản; đảng viên gương mẫu, năng động, sáng tạo, luôn tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Từ khi về làm việc, Trúc Phương đã kịp thời tham mưu xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã. Đồng thời, Phương luôn có những sáng tạo để góp phần đưa Chợ Lách nói chung, Cái Mơn nói riêng trở thành điểm đến đặc thù miệt vườn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao, trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục