Khơi thông các dự án trọng điểm để giải ngân vốn đầu tư công

18:27' - 20/12/2024
BNEWS Nhiều hạng mục dự án hoàn thành song chậm quyết toán; dự án chuyển tiếp chậm thi công, giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn...

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 còn chậm so với kế hoạch. Nhiều hạng mục dự án hoàn thành song chậm quyết toán; dự án chuyển tiếp chậm thi công, giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn... Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp đánh giá kết quả giải ngân vốn đầu tư công do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức chiều 20/12.

 

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn Hứa Thị Hằng cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước (kế hoạch đầu tư công) tỉnh Lạng Sơn được giao năm 2024 là 4.021,305 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn kéo dài năm 2022, năm 2023 chuyển sang năm 2024 trên 640,3 tỷ đồng.

Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2024 đến hết ngày 18/12/2024 là 2.7223,6 tỷ đồng, đạt 67,7% kế hoạch, tương đương với mức bình quân chung cả nước 66,9%. Theo kết quả rà soát, các dự án thuộc kế hoạch năm 2024 có 62 trong tổng số 97 dự án chưa giải ngân theo kế hoạch; trong đó, 54 dự án chậm tiến độ và 8 dự án chưa có nguồn nhập tabmis - thông tin quản lý ngân sách và kho bạc. Các dự án thuộc kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024 có 19 dự án chậm tiến độ...

Đại diện các sở, ban, ngành, chủ đầu tư dự án, UBND huyện, thành phố lý giải, nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công là do vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, hợp đồng; chậm tiến độ thi công, thanh toán, quyết toán...

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công rất quan trọng vì không chỉ phát huy hiệu quả nguồn vốn mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Do đó, các chủ đầu tư dự án, cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc để đảm bảo giải ngân theo kế hoạch, quy định.

Các sở, ban, ngành, chủ đầu tư, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dự án, nhất là những công trình trọng điểm có vốn lớn; đồng thời khẩn trương tổ chức nghiệm thu các hạng mục đã hoàn thành, đủ điều kiện theo quy định, hoàn thiện hồ sơ thanh toán để giải ngân kịp thời; không để tồn đọng khối lượng đã hoàn thành nhưng không thể thanh quyết toán.

Đối với nhóm dự án chuyển tiếp, chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động nhân lực, máy móc thi công các hạng mục dự án, tổ chức nghiệm thu khối lượng thi công đã hoàn thành, đủ điều kiện, sớm hoàn thiện hồ sơ thanh toán và giải ngân.

Đặc biệt, với các dự án có nguồn vốn lớn như: Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng và dự án đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), cơ quan chức năng của tỉnh, chủ đầu tư tháo cùng nhau gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án này để đảm bảo tiến độ, khối lượng thi công và hoàn thiện hồ sơ quyết toán các hạng mục đã hoàn thành.

UBND các huyện, thành phố tập trung giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, di chuyển hạ tầng kỹ thuật trong vùng dự án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân. Cùng đó, các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch vốn theo phân cấp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục