Khơi thông điểm nghẽn quỹ đầu tư để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng

13:26' - 28/03/2025
BNEWS Khơi thông điểm nghẽn quỹ đầu tư để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo tiền đề phát triển ở mức hai con số trong thời gian tới.

Không chỉ mang lại nguồn vốn dài hạn, các tổ chức đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam còn góp phần nâng cao chuẩn mực quản trị và minh bạch tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam. Dù có nhiều tiềm năng phát triển và đóng vai trò quan trọng trên thị trường vốn, thế nhưng quy mô và mức độ thâm nhập của các quỹ đầu tư trên thị trường Việt Nam hiện nay còn khá thấp, đồng nghĩa với việc có nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Đó là thông tin tại Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam”, do Bộ Tài chính tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh sáng 28/3.

Kênh huy động vốn trung - dài hạn hiệu quả

Tháng 4/2007, Quỹ VOF của VinaCapital đã đầu tư 47 triệu USD (5% tài sản ròng) vào Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) như một khoản đầu tư cổ phần tư nhân để tài trợ cho việc xây dựng một khu liên hợp sản xuất thép tích hợp tại Hải Dương, với tổng công suất 2,5 triệu tấn/năm thép xây dựng. Đến tháng 11/2007, Hòa Phát niêm yết cổ phiếu HPG.

 

Sau gần 18 năm, từ khoản đầu tư bước đầu cũng với chiến lược phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, Hòa Phát hiện đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, với công suất hiện lên đến 8,5 triệu tấn/năm. Tính đến cuối 2024, doanh thu của Hòa Phát đã tăng 25,6 lần so với năm 2007 và vốn hóa thị trường tăng 13,6 lần.

Câu chuyện đồng hành với Hòa Phát trong một chặng đường dài được ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập của Tập đoàn VinaCapital chia sẻ tại hội nghị, như một điển hình thành công của việc các quỹ đầu tư rót vốn vào các doanh nghiệp tư nhân thời gian qua.

Cũng theo ông Don Lam, khi có nguồn vốn dài hạn từ các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp sẽ có động lực đầu tư vào những giá trị dài hạn, như đầu tư vào công nghệ, tự động hoá trong khâu sản xuất… Điều này cũng giúp giảm tải áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế lên hệ thống tài chính ngân hàng.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam rất dễ bị tổn thương liên quan đến khí hậu. Để khắc phục điều này và hỗ trợ phát triển kinh tế, ước tính đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần đầu tư bổ sung khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD để đảm bảo khả năng chống chịu của đất nước. Do đó, câu chuyện huy động đủ nguồn vốn tài trợ cho các khoản đầu tư này vẫn là một thách thức lớn hiện nay.

Theo ông Shantanu Chakraborty, thị trường vốn Việt Nam có thể mang lại nhiều cơ hội cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm cả các quỹ đầu tư. Từ cổ phiếu và trái phiếu đến các công cụ phái sinh và quỹ tương hỗ, thị trường vốn của Việt Nam rất đa dạng và đang phát triển nhanh.

“Như kinh nghiệm ở các khu vực khác của châu Á đang phát triển, thị trường trái phiếu và tiền tệ lớn mạnh có vai trò rất quan trọng để thu hút các quỹ đầu tư tập trung vào các sản phẩm cho vay thu nhập cố định và các công cụ tài chính có tính thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ tiền gửi hoặc cổ phiếu ưu đãi”, ông Shantanu Chakraborty chia sẻ.

Theo dữ liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 7,4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP năm 2024. Tổng giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 48 tỷ USD, chiếm 16% vốn hóa thị trường.

Cùng với sự lớn mạnh của thị trường chứng khoán, ngành quỹ đầu tư tại Việt Nam không ngừng phát triển, thể hiện qua sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng và quy mô. Hiện cả nước có 43 công ty quản lý quỹ với 123 quỹ đầu tư chứng khoán, tổng tài sản quản lý đạt hơn 750.000 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm 2014.

Trong suốt một thập kỷ qua, ngành quỹ đã duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, trung bình trên 20%/năm. Đặc biệt, sự ra đời của các quỹ mở, quỹ ETF và quỹ bất động sản đã góp phần đa dạng hóa lựa chọn đầu tư, trong đó quỹ mở và quỹ ETF chiếm 86% tổng giá trị tài sản ròng nhờ ưu thế về thanh khoản cao, danh mục đầu tư linh hoạt và tính minh bạch. 

Thúc đẩy ngành quỹ phát triển

Dù có nhiều tiềm năng phát triển và đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn trung dài hạn, thế nhưng quy mô và mức độ thâm nhập của các quỹ đầu tư trên thị trường Việt Nam hiện nay còn khá thấp, đồng nghĩa với việc có nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, hoạt động của hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán hiện chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Tính đến cuối năm 2024, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ chỉ tương đương 1,2% vốn hóa thị trường chứng khoán; tổng giá trị tài sản quản lý của công ty quản lý quỹ tương đương 3,4% tổng tài sản của tổ chức tín dụng. Trên thị trường chứng khoán số lượng nhà đầu tư liên tục tăng nhưng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,5%.

Đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Thắng cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, theo nhìn nhận của các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế vẫn tồn tại một số vướng mắc trong quá trình thực thi về đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, thủ tục hành chính và ngoại hối…

Trước thực tế trên, người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định, Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết tâm khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực để phát triển, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo tiền đề phát triển ở mức hai con số trong thời gian tới nhằm sớm đưa đất bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Để đạt được các mục tiêu này, bên cạnh những giải pháp của Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn nâng cao hiệu quả hiệu lực của bộ máy hành chính, chúng tôi đặt trọng tâm vào việc huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có nguồn vốn đầu tư thông qua các quỹ đầu tư và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cũng cho rằng, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 cần đạt trên 8%, ổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2025 dự kiến khoảng 174 tỷ USD; trong đó đầu tư tư nhân chiếm 96 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 80 tỷ USD của năm 2024. Để đạt mục tiêu này, cấp thiết phải huy động tối đa và hiệu quả các nguồn lực tài chính, cả trong và ngoài nước, để hỗ trợ tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong bối cảnh đó, thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, phải phát huy hơn nữa vai trò kênh dẫn vốn chủ lực trung và dài hạn.

“Việc thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành quỹ không chỉ giúp thu hút dòng vốn dài hạn mà còn góp phần xây dựng một cơ sở nhà đầu tư  ổn định và bền vững hơn. Đồng thời, sự mở rộng của các quỹ đầu tư đa dạng như quỹ chỉ số, quỹ ESG, quỹ hạ tầng… sẽ không chỉ tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, mà còn tạo động lực quan trọng giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững, thúc đẩy kinh tế phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của Chính phủ”, bà Phương nhấn mạnh.

Để đạt mục tiêu trên, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó có xây dựng Đề án Đào tạo nhà đầu tư nhằm phát huy mọi nguồn lực từ cơ quan quản lý đến các thành viên thị trường trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các nhà đầu tư cá nhân; đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư và bộ chỉ số chứng khoán, phát triển hàng hóa trên thị trường chứng khoán, cũng như nâng hạn mức đầu tư của các quỹ…

Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung hàng cho các quỹ, nâng hạn mức đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán. Đồng thời cũng tăng cường việc tiếp cận thông tin cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc yêu cầu các công ty đại chúng công bố thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh; đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đầu tư …. để thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đề xuất với các cơ quan  liên quan về việc phân phối chứng chỉ quỹ để đa dạng hóa các kênh phân phối, tăng khả năng tiếp cận sản phẩm của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân; đồng thời có các chính sách thuế phù hợp, khuyến khích người dân tham gia đầu tư thông qua quỹ đầu tư…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục