Khơi thông dòng chảy cho hành trình kết nối

10:22' - 15/10/2021
BNEWS Dịch COVID-19 đã và đang gây tác động, ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế; trong đó, có hoạt động xuất nhập khẩu.

Không thể vì dịch COVID-19 mà đóng cửa mãi bởi sẽ làm trầm trọng đứt gãy nguồn cung cho các nhà máy, vùng sản xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, các  bộ, ngành, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần có sự phối hợp chặt chẽ để điều phối chuỗi cung ứng, kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa.

*Áp lực lớn

Là một trong những ngành mũi nhọn về xuất khẩu, thời gian qua không ít doanh nghiệp dệt may đã phải chịu nhiều áp lực từ việc thiếu nguyên liệu, sản xuất kinh doanh đình trệ và khó khăn trong lưu thông hàng hoá.

Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ: Việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ về giãn cách xã hội đã tạo áp lực cực kỳ lớn lên cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí làm tê liệt một số doanh nghiệp sản xuất của 19 tỉnh phía Nam.

Hơn nữa, nhiều địa phương áp dụng quá chặt chẽ, máy móc khi áp dụng giãn cách khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa dù không có người lao động mắc COVID-19.

Không những thế, việc kiểm soát đi lại với doanh nghiệp cũng như vận chuyển hàng hoá qua các địa phương dọc tuyến Quốc lộ 1 gặp nhiều khó khăn khi chuyển hàng từ Nam ra Bắc do các địa phương không thống nhất chấp nhận kết quả test PCR của tài xế.

Theo ông Vũ Đức Giang, không thể đóng cửa mãi vì nguy cơ đứt gãy nguồn cung của ngành công nghiệp dệt may và nhiều ngành khác là cực kỳ lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may đang chịu rất nhiều áp lực khi khách hàng đang dần rút đơn hàng, chuyển sang Trung Quốc và một số thị trường.

Ở một góc độ khác, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Đông Hiệp, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (FFA) cho rằng: Hiện nay giải pháp 3 tại chỗ không còn phù hợp với thực tiễn. Dù doanh nghiệp đã có chính sách hỗ trợ ngày 3 bữa ăn cộng thêm kinh phí 200 nghìn đồng/người/ngày nhưng tâm lý người lao động không còn tập trung làm việc và chỉ muốn về với gia đình.

Thêm vào đó, nhân lực thiếu hụt đã dẫn đến việc dù có đơn đặt hàng số lượng lớn nhưng doanh nghiệp vẫn không dám nhận vì không đủ nguyên liệu và nhân công để vận hành sản xuất.

Một số doanh nghiệp khác cũng bày tỏ: Khó khăn lớn nhất hiện nay là phải đối phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung cấp dịch vụ để duy trì hoạt động liên tục.

Dịch COVID-19 cũng khiến tổ chức sản xuất, bố trí nhân lực làm việc phù hợp mà vẫn phải đảm bảo an toàn về phòng chống dịch cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, sự thiếu nhất quán và liên tục thay đổi trong các giấy phép vận tải hàng hóa đã dẫn đến thiếu hụt lao động, lái xe, thiếu công nhân tại hiện trường.

Nhận định về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: "Có thể thấy, dịch COVID-19 đã và đang gây tác động, ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế; trong đó, có hoạt động xuất nhập khẩu. Riêng với nhập khẩu, đa số hàng hóa của Việt Nam thông quan qua các cảng biển nên để giải quyết những thủ tục giao nhận như hải quan, kiểm dịch trong khi các khâu này thiếu nhân lực làm cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn".

Cùng với đó, việc thiếu nhân lực để lái xe hoặc giấy đi đường để đi qua các điểm kiểm soát, nhất là từ địa phương này sang địa phương khác khiến hoạt động nhập khẩu bị tác động và ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu nói chung.

Một yếu tố nữa là chi phí vận tải biển tăng cao đưa giá thành nhập khẩu hàng hóa tăng theo cũng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

*Khơi thông dòng chảy

Nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng phát triển bền vững, lâu dài, ông Trần Thanh Hải cho rằng, môi trường kinh doanh luôn thay đổi và chuỗi cung ứng sẽ luôn cần thích ứng để đạt được hiệu suất tốt nhất có thể, hạn chế thấp nhất rủi ro.

Ngoài ra, dịch COVID-19 đã khiến doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng đối với sự sống còn của doanh nghiệp.

Do đó, ông Trần Thanh Hải khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động lập kế hoạch, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh cũng như tận dụng lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, vai trò vaccine rất quan trọng nên doanh nghiệp cần ưu tiên, phổ cập tiêm chủng cho người lao động trong chuỗi cung ứng như lái xe, người làm thủ tục giao nhận, giao hàng để họ tham gia lưu thông và chuỗi cung ứng vẫn được vận hành trong điều kiện chống dịch.

Nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch mà không làm đứt gãy và gián đoạn chuỗi cung ứng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, các bộ, ngành, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần có sự phối hợp chặt hơn để điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu, kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa.

Cùng với đó, các địa phương cần thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, không quy định thêm “giấy phép” con nhằm tăng rào cản, gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các địa phương phải có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo an toàn để duy trì sản xuất; tuyên truyền rộng rãi để lực lượng tại các chốt kiểm soát, doanh nghiệp, người dân hiểu đúng chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành giúp lưu thông hàng hóa thông suốt, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế./.

>>> Lưu thông thời đại dịch – Bài 1: Vaccine "Luồng xanh"

>>> Lưu thông thời đại dịch – Bài 2: Gian nan chuỗi cung ứng

>>> Lưu thông thời đại dịch – Bài cuối: Giải tỏa vướng mắc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục