Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam

16:36' - 22/06/2022
BNEWS Ngày 22/6, Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ phối hợp với Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức hội thảo "Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam”.

Hội thảo với sự tham gia của các diễn giả từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia trong lĩnh vực hội nhập và nghiên cứu, doanh nghiệp trong ngành lúa gạo từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu...

 

Các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận, nhận diện những điểm nghẽn, đồng thời tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ, chủ động liên kết, chia sẻ kinh nghiệm để hạt gạo Việt Nam được nâng tầm, nâng giá trị trên thương trường quốc tế, người nông dân an tâm với đồng ruộng, ngành lúa gạo phát triển theo hướng bền vững.

Việt Nam được biết đến là cường quốc xuất khẩu gạo với sản lượng xuất khẩu khoảng 6,3 triệu tấn gạo/năm (chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới). Gạo Việt Nam đã có mặt ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, thị trường xuất khẩu chính là châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, tính cạnh tranh của thương hiệu gạo Việt vẫn chưa cao và việc chen chân vào thị trường cao cấp để bán với giá cao cũng chưa được thuận lợi.

Bên cạnh đó, hạt gạo Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chủ nghĩa bảo hộ lương thực và lạm phát gia tăng trên khắp các nền kinh tế, đặc biệt xung đột giữa Nga - Ukraine đã khiến cho giá cả nhiều loại hàng hóa; trong đó, giá xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu… tăng cao chưa từng có.

"Chi phí sản xuất lúa tăng, trong khi đó khó khăn về logistics của doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khiến cho giá lúa doanh nghiệp thu mua của nông dân thấp", ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp lương thực Việt Nam cho biết.

Trong bối cảnh đó, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải bám đồng ruộng để làm nhiệm vụ “đảm bảo an ninh lương thực quốc gia” và duy trì sản lượng gạo xuất khẩu. Nhờ vậy, hạt gạo của Việt Nam không chỉ đủ nuôi 100 triệu dân mà còn xuất đi 3 triệu tấn, mang về 1,4 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2022.

Để Việt Nam giữ ngôi xuất khẩu gạo hàng đầu, chất lượng hạt gạo cao, giá gạo cạnh tranh, mang lại lợi ích cao hơn cho quốc gia, doanh nghiệp và nông dân, vấn đề đặt ra cho ngành lúa gạo là cần khơi thông được những “điểm nghẽn” như giống lúa, an toàn thực phẩm, logistics, chi phí vật tư sản xuất đầu vào và công nghệ, vốn cho sản xuất và xuất khẩu…

Chất lượng gạo ngon không bởi do giống lúa mà còn do quy trình chế biến. Để giải quyết vấn đề này, hạt lúa sau khi thu hoạch cần được sấy khô và bảo quản đúng cách. Song, công nghệ bảo quản, chế biến lúa gạo tại Việt Nam vẫn còn hạn chế làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng hạt gạo. Không những vậy, công nghệ chế biến của ta vẫn còn lạc hậu, làm cho giá trị hạt gạo chưa cao.

Với giải pháp xử lý gạo sau thu hoạch và công nghệ kỹ thuật số, ông Balachandra Prashanth, Giám đốc Ngành gạo khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Bühler Group cho biết, giải pháp lưu trữ trong silo cho phép các nhà máy gạo bảo quản lúa ở chất lượng tốt trong thời gian mong muốn.

Giải pháp còn giúp giảm hư hại, thất thoát lúa bằng công nghệ bảo quản hợp vệ sinh và lâu bền. Với ứng dụng kiểm soát tự động silo, chúng ta có thể theo dõi nhiệt độ, độ ẩm những chỉ số khác của lúa nằm trong silo. Từ đó chúng ta có thể trữ lúa ở những điều kiện tốt nhất và ngoài ra, còn có thể thực hiện truy xuất ngược.

"Sản phẩm được lưu trữ theo công nghệ số của Bühler có thể không cho ra sản phẩm chất lượng nhất nhưng sẽ đồng đều nhất", ông Balachandra Prashanth nhấn mạnh.

Đề xuất giải pháp tăng hiệu quả logistics trong xuất khẩu gạo, bà Đỗ Thu Hường, Phó Giám đốc Marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông như: các tuyến cao tốc: Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bến Lức - Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành; giải quyết các điểm thắt đường thủy, tĩnh không cầu; cảng tàu con chuyên gom container cho tàu quốc tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đưa cảng về gần với doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó cũng cần có chính sách, thiết kế các chuỗi cung ứng, chính quyền địa phương có chính sách tốt thu hút các nhà đầu tư phát triển về chuỗi cung ứng hậu cần logistics, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có quỹ đất quy hoạch trung tâm logistics của vùng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Để dòng chảy hạt gạo Việt được thông suốt, ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, các đối tác ngân hàng, đối tác vận chuyển, hậu cần, cảng biển cùng đồng hành với ngành gạo. Bản thân ngành gạo muốn phát triển bền vững rất cần hệ sinh thái hỗ trợ ngành gạo chứ không chỉ riêng ngành gạo. Các đối tác có sự hiểu biết về ngành gạo, có thể giúp ngành gạo đạt được những cơ hội tốt nhất từ thị trường.

Ví dụ, ngân hàng luôn luôn lo sợ kinh doanh gạo rủi ro, hạn chế tín dụng, đến khi thị trường mở ra với ngành gạo lớn, ngân hàng không "bơm" tín dụng vào. Điều đó, hạn chế cho xuất khẩu gạo, gián tiếp ảnh hưởng thị trường và chuỗi giá trị; trong đó có nông dân. Do vậy, nếu các hệ thống hậu cần hỗ trợ, thúc đẩy ngành gạo đạt được lợi ích, lợi nhuận tối đa thì những lợi ích đó lan tỏa suốt chuỗi giá trị; trong đó có nông dân sản xuất lúa.

Xuất khẩu gạo Việt Nam đã tạo dựng được vị thế quan trọng, có những bước tiến mạnh, sâu sắc. Trong vòng 5 năm gần đây, xuất khẩu gạo đạt được nhiều thành quả xuất khẩu gạo đối với chủng loại thơm và chủng loại gạo trắng. Ví dụ, Đài thơm 8, OM5451,... có sức cạnh tranh mạnh mẽ đối với các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ. Gạo Việt Nam có "chỗ đứng" trong phân khúc thị trường gạo phẩm cấp khá với mức giá hấp dẫn so với các đối thủ. Để hạt gạo Việt Nam duy trì được các thành quả trên cần duy trì từ khâu sản xuất đến chế biến, giảm sản lượng, nâng cao chất lượng hạt gạo và tập trung xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục