Khơi thông nguồn vốn hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu nông sản

08:14' - 01/08/2023
BNEWS Dù nhiều gói tín dụng ưu đãi triển khai hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp,nhưng không ít doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu vốn bởi nhiều lí do.

Là chủ doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu lúa gạo tại Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật cho biết áp lực về lãi suất lên doanh nghiệp hiện nay là không hề nhỏ.

 

"So với mức lãi suất vay hồi năm ngoái khoảng từ 5,5-6%/năm thì lãi suất năm nay đã tăng gấp rưỡi. Chi phí trả lãi ngân hàng vì thế cũng tăng từ mức 500 triệu đồng lên thành 750 triệu đồng/tháng", ông Nhựt chia sẻ.

Chi phí vốn tăng cao dần bào mỏng lợi nhuận của doanh nghiệp. Dù vậy, ngay cả khi doanh nghiệp chấp nhận mức lãi suất hiện tại cũng không dễ vay được vốn.

Theo ông Nhựt, nguyên nhân chính nằm ở tính hiệu quả của phương án kinh doanh. Nếu doanh nghiệp không chứng minh được khả năng thu hồi vốn thì chắc chắn ngân hàng sẽ không thể cấp tín dụng hay tăng hạn mức cho vay. Còn ngược lại, nếu doanh nghiệp có phương án tốt, hiệu quả, khả năng trả nợ cao thì không thiếu ngân hàng chủ động mời gọi vay tiền.

Tương tự tại Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, mỗi khi vào mùa vụ thu mua lúa, doanh nghiệp cần một lượng tiền tới vài tỷ đồng cho từ 1-2 tấn lúa thu mua mỗi ngày. Khi đó, nguồn vốn tài trợ của các ngân hàng là rất cần thiết.

Tuy vậy, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Trung An chỉ ra cái khó của nhiều doanh nghiệp là không có tài sản đảm bảo hoặc đã thế chấp hết tài sản để vay vốn trước đó, trong khi ngân hàng cũng không cho dùng lúa để thế chấp nên doanh nghiệp đành bó tay.

Thêm nữa, theo ông Bình, ngân hàng mới chỉ cho doanh nghiệp vay ở phần ngọn, tức là vay để thu mua lúa, gạo chế biến xuất khẩu. Còn vay để cải cách chuỗi liên kết từ khi gieo sạ đến tạm trữ, chế biến, bảo quản rồi xuất khẩu... thì không có.

Trước những thực tế trên, ông Nguyễn Văn Nhựt đề xuất cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đủ điều kiện được vay tín chấp khi đến vụ thu hoạch lúa hoặc có giải pháp an toàn hơn, vừa đảm bảo quyền lợi của ngân hàng vừa giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rộng rãi.

 

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước.

Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tại các tỉnh, thành phố như Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang... hầu hết đều chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các ngành nghề lĩnh vực.

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), cho biết tổng nguồn vốn đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank chiếm khoảng 30% tổng nguồn vốn đầu tư tín dụng trong lĩnh vực này của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm, Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng với doanh số cho vay là 10.813 tỷ đồng, dư nợ 4.973 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 57,4 tỷ đồng. Hơn 2.000 khách hàng của Agribank được cơ cấu lại nợ.

Còn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Minh Bình cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, số dư tín dụng được hỗ trợ lãi suất tại ngân hàng này đã lên tới hơn 12.000 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ hơn 130 tỷ đồng. Đây là ngân hàng có dư nợ hỗ trợ lãi suất trong nhóm cao nhất toàn hệ thống.

Chưa dừng ở đó, các tổ chức tín dụng đang tiếp tục triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất, tập trung cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong mở rộng quy mô sản xuất, hoạt động thanh toán xuất, nhập khẩu...

Cụ thể, Agribank vừa công bố dành 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất tài trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu (xuất khẩu gạo, thịt, thuỷ sản, cà phê, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ…). Lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank tương ứng đối với từng kỳ hạn, áp dụng từ nay đến hết ngày 31/12/2023.

Trong khi đó, VietinBank dành gói 20.000 tỷ đồng cho vay các doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn như lúa, gạo, thủy sản, nông nghiệp; lãi suất vay ưu đãi 2% so với vay thông thường.

Hay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), một gói vay quy mô tương tự có lãi suất từ 7%/năm và 8%/năm cũng được triển khai phục vụ các doanh nghiệp có chứng chỉ tiêu chuẩn thực hành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tốt hoặc có các chứng chỉ chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chế biến thuỷ sản an toàn...

Từ nay đến hết tháng 12/2023, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau, bao gồm cả khách hàng vay sản xuất kinh doanh và kinh tế nông nghiệp nông thôn. Tổng số tiền giảm lãi suất dự kiến lên tới 350 tỷ đồng, tương ứng số dư nợ được giảm là 64.000 tỷ đồng cho đợt giảm lãi suất này...

Ngoài các gói vay ưu đãi lãi suất, hầu hết các ngân hàng đều triển khai ưu đãi về phí giao dịch. Thậm chí, một số ngân hàng đã mở rộng các sản phẩm cho vay tín chấp, cấp thêm hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp đối với các mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản...

Có thể thấy, nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp rất dồi dào. Để cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, lãnh đạo các ngân hàng khuyến cáo doanh nghiệp cần nỗ lực cải thiện hồ sơ của mình. Bởi việc cấp tín dụng dựa trên cơ sở xếp hạng tín nhiệm khách hàng, tùy "khẩu vị" rủi ro mà mỗi ngân hàng lại có các bộ đánh giá, xếp hạng khách hàng khác nhau cả đối với vay thế chấp hay vay tín chấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục