Chủ động tìm kiếm giải pháp để tiêu thụ nông sản
Chủ động tìm kiếm những giải pháp tiêu thụ mặt hàng nông sản đang là phương châm hành động đặt ra với ngành nông nghiệp từ nay đến cuối năm.
Qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu kế hoạch tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2023 đạt từ 3,0 - 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ 54 - 55 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm ngành có trên 42 triệu tấn lúa, gần 19 triệu tấn rau màu, trên 12 triệu tấn trái cây chủ lực, sản lượng thịt các loại trên 7 triệu tấn, thủy sản trên 9 triệu tấn… Đây là sản lượng lương thực, thực phẩm khổng lồ giúp ngành luôn đảm bảo an ninh lương thực cả nước trong mọi tình huống. Song đây cũng là áp lực không nhỏ với ngành khi vào cao điểm thu hoạch các sản phẩm. Trong khi đó, nhiều tồn tại, điểm nghẽn trong sản xuất, lưu thông, phân phối và cả thị trường xuất khẩu chưa bền vững khiến cho nông sản vào vụ vẫn gặp cảnh “được mùa mất giá”.
Nhiều điểm nghẽn trong tiêu thụ nông sản
Với sản lượng nông sản ngày càng tăng lên nhờ áp dụng tốt khoa học công nghệ, sản xuất thích ứng tốt hơn với điều kiện thời tiết… nhưng việc thích ứng với thị trường tiêu thụ của người nông dân vẫn còn nhiều hạn chế. Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản để tăng quy mô sản xuất hàng hóa, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, đáp ứng đúng yêu cầu thị trường vẫn chưa trở thành điều kiện cần trước khi sản xuất.
Cũng chính bởi sự phát triển chủ yếu tự phát, chưa gắn với thị trường, với chuỗi giá trị ngành hàng nên mối quan hệ giữa người nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ hàng nông sản chưa cao. Tâm lý “ăn sổi” vẫn đeo đuổi nông dân nên họ thường bán hàng qua thương lái, giữa doanh nghiệp và người nông dân thường xảy ra tình trạng “bội tín lẫn nhau”.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, còn tình trạng đứt gãy trong liên kết sản xuất và chế biến, xuất khẩu. Hiện nông dân vẫn trong cảnh trồng rồi tìm kiếm nhà tiêu thụ. Nhìn thì có vẻ hai bên đều đáp ứng được nhau nhưng khi có biến động thị trường, liên kết không chặt chẽ sẽ xảy ra việc người dân không tiêu thụ được sản phẩm, nhà máy thiếu hàng chế biến, doanh nghiệp thiếu hàng xuất khẩu.
Đặc biệt chịu tác động mạnh mẽ sau dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nền kinh tế lớn phục hồi chậm; tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm nhu cầu nhập khẩu. Để bảo vệ sản xuất trong nước, hàng rào bảo hộ của các nước gia tăng khiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản càng khó khăn hơn.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam), mỗi tháng Văn phòng SPS Việt Nam nhận được hàng trăm thông báo của các nước thành viên WTO về dự thảo lấy ý kiến góp ý, văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp, người sản xuất phải cập nhật kịp thời để tránh tình trạng hàng hóa không được thị trường nhập khẩu chấp nhận. Đồng thời, phải chủ động thay đổi cách sản xuất mới thích ứng được sự thay đổi liên tục của thị trường.
Hiện các thị trường đều có yêu cầu về kỹ thuật rất cao đối với hàng nông sản như: mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nhãn mác hàng hóa, bao bì đóng gói, dư lượng tối đa hóa chất trong sản phẩm nông nghiệp… thậm chí cả tính bền vững trong sản xuất. Chỉ riêng những yêu cầu về kiểm dịch động thực vật rất khắt khe kéo theo những khó khăn về mặt thời gian, chi phí của doanh nghiệp sản xuất và cạnh tranh khốc liệt giữa nông sản Việt Nam với các nước.
Điển hình như thị trường đứng đầu nhập khẩu nông sản Việt Nam là Trung Quốc. Không chỉ có nhiều thay đổi chính sách nhập khẩu hàng hóa, thị trường này còn thay đổi chính sách liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa nông sản. Có thể kể đến trường hợp sản phẩm thực phẩm phải tuân thủ Lệnh 248 về Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh 249 về Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu. Theo đó, nước này đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi chất lượng nhập khẩu ngày càng cao hơn, yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn như các nước châu Âu và Hoa Kỳ.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, từ khi Trung Quốc siết xuất khẩu qua tiểu ngạch, sản phẩm phải tìm kiếm đến các thị trường khác thì vấp phải yêu cầu mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Điều này, đòi hỏi nông dân phải vào hợp tác xã, sản xuất theo tập thể để áp dụng theo quy trình nhà mua, có đủ số lượng để thương thảo với nhà chế biến.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, chỉ có cách duy nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ngành hàng để dẫn dắt nông dân thay đổi tư duy từ chỗ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, định vị lại thị trường.
Chuyên nghiệp từ sản xuất tới tiêu thụ
Với tiềm năng rất lớn về nông nghiệp, Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản trong điều kiện hội nhập hiện nay. Song song với các cơ hội được mở ra, hàng nông sản cũng phải có sự chuẩn hóa từ sản xuất để sẵn sàng thích ứng tốt với thị trường.
Theo các chuyên gia, bước tiền đề này không cách nào khác chính là tổ chức sản xuất có liên kết với tiêu thụ nông sản, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị.
Hiện, nhiều ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đã chủ động tự xây dựng các chuỗi giá trị liên kết, để giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng như: Tập Đoàn Quế Lâm hợp tác liên kết triển khai một số mô hình khuyến nông chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ với hình thức là liên kết theo chuỗi giá trị tại Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái nguyên...
Hay trong hoạt động nuôi cá tra, đã có sự chủ động sản xuất theo tín hiệu thị trường, theo đơn đặt hàng. Hiện cá tra nguyên liệu được cung cấp từ chuỗi liên kết doanh nghiệp - cơ sở nuôi hoặc thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp chiếm 70 - 75%.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hiệu quả, bền vững. Việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị.
Trên nền tảng này sẽ phát triển hạ tầng sản xuất và kinh doanh phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, qua đó thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến, thương mại trong các vùng nguyên liệu nhằm cắt giảm khâu trung gian; giảm chi phí rủi ro trong sản xuất và thương mại sản phẩm. Đồng thời, minh bạch hóa quy trình sản xuất và chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến và tiêu thụ; tăng cường giám sát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trải dài từ Bắc vào Nam với các sản phẩm chủ lực là: cây ăn quả, lúa gạo, cà phê, gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững theo “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025”.
Theo ông Lê Đức Thịnh, 5 vùng nguyên liệu này sẽ được đầu tư về hạ tầng sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm như: thủy lợi, giao thông, kho lạnh, nhà kho, nhà sơ chế, hệ thống sấy… Đặc biệt, từ năm 2024, sẽ có sự đầu tư mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu hỗ trợ hợp tác xã tại: An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Gia Lai.
“Vùng nguyên liệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn, quy mô tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, hội nhập”, ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh.
Không chỉ ngành nông nghiệp, nhiều địa phương đã phát huy lợi thế để thu hút cả trong sản xuất và đầu tư chế biến. Điển hình như Sơn La đã thành công trong việc thu hút Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) xây dựng nhà máy chế biến thứ 3 của doanh nghiệp với nhiều loại trái cây, nông sản cùng sự đầu tư từ vùng nguyên liệu mang quy mô cấp vùng miền núi phía Bắc.
Hay với lợi thế về địa lý cùng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, thành phố Cần Thơ sẽ có Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây sẽ là “một điểm đến, đa dịch vụ”, góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết gắn nhà nông, nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Các chuyên gia kỳ vọng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế chính sách khuyến kích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trình Chính phủ thời gian tới sẽ giúp ngành có thêm những đầu tư về chế biến, đa giá trị sản phẩm nông sản.
Để có tiền đề thu hút doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, các đơn vị chuyên môn của Bộ sẽ phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng tiếp tục tập trung phát triển vùng nguyên liệu.
“Trong chiến lược phát triển lâu dài, vùng nguyên liệu đạt chuẩn là trên hết. Nếu không có các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ khó tồn tại bền vững. Nếu không có nguyên liệu thì máy móc dù có hiện đại đến đâu cũng không thể sản xuất”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Đó là trong sản xuất, còn để phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông lâm thủy sản, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chủ động dự báo, tranh thủ cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu.
Bộ cũng phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, nhất là vào các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...
Cùng với đó, ngành nỗ lực đàm phán để mở cửa thêm cho các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia…
Không chỉ xuất khẩu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, ngành cũng không sao nhãng với thị trường trong nước, các đơn vị chuyên môn sẽ cùng địa phương tổ chức tập huấn, phổ biến cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất về các tiêu chuẩn, quy định đưa hàng hóa nông sản vào hệ thống phân phối, bán lẻ. Đặc biệt hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP... ứng dụng chuyển đổi số, phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử./.
Tin liên quan
-
Thị trường
“Cánh cửa” nào giúp tiêu thụ hiệu quả hơn cho nông sản miền núi?
15:45' - 26/07/2023
Việc hỗ trợ bà con khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc tiêu thụ nông sản là trách nhiệm chung của các Bộ ngành, địa phương.
-
DN cần biết
Việt Nam tìm hiểu kinh nghiệm vận hành sàn giao dịch nông sản của Canada
10:39' - 07/07/2023
Tại cuộc gặp đoàn đại biểu Tp.Hồ Chí Minh gần đây, Bộ trưởng Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn tỉnh Ontario đã rất tâm đắc giới thiệu về một sàn giao dịch nông sản mang tên Ontario Food Terminal.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
20:34' - 01/12/2024
Ngày 1/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 125/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
-
Kinh tế Việt Nam
Gác nhịp dầm đầu tiên cầu Đại Ngãi 2 nối đôi bờ sông Hậu
19:15' - 01/12/2024
Chiều 1/12, Ban Quản lý dự án 85, chủ đầu tư dự án cầu Đại Ngãi đã lắp (gác) nhịp dầm đầu tiên tại công trình cầu Đại Ngãi 2 trong dự án cầu Đại Ngãi nối 2 bờ sông Hậu giữa Sóc Trăng với Trà Vinh.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Singapore
16:28' - 01/12/2024
Ngày 1/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến thủ đô Singapore, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Singapore.
-
Kinh tế Việt Nam
Điện hạt nhân – Phù hợp với xu thế phát triển của đất nước
13:38' - 01/12/2024
Việc phát triển điện hạt nhân trở nên cần thiết trong bối cảnh thế giới đối mặt với thiếu hụt nguồn năng lượng sạch, biến đổi khí hậu trong khi nhu cầu năng lượng gia tăng.
-
Kinh tế Việt Nam
Ưu tiên tăng trưởng, tạo nền tảng vững chắc bước vào kỷ nguyên mới
11:47' - 01/12/2024
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trung ương xác định mục tiêu tổng quát năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Kết nối các tuyến giao thông trọng yếu để thúc đẩy liên kết vùng
11:17' - 01/12/2024
Tỉnh Hậu Giang tập trung thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, gia tăng kết nối với các tỉnh, thành phố, mở ra không gian phát triển mới.
-
Kinh tế Việt Nam
Tạo sức hấp dẫn mới cho nhà đầu tư vào khu công nghiệp
10:41' - 01/12/2024
Tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tạo sức hấp dẫn mới cho nhà đầu tư vào khu công nghiệp.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ
23:21' - 30/11/2024
Thủ tướng yêu cầu việc thực hiện phải thống nhất và quyết tâm rất cao trên tinh thần “tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt; làm việc nào, dứt việc đó”.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường đôn đốc thu ngân sách các khoản liên quan đến đất đai
21:27' - 30/11/2024
Ngày 30/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 124/CĐ-TTg về việc tăng cường đôn đốc thu ngân sách nhà nước đối với các khoản thu liên quan đến đất đai.