Không để bệnh nhân phải tự mua thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục bảo hiểm y tế

21:53' - 15/06/2022
BNEWS Tình trạng bệnh nhân phải tự mua thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục bảo hiểm y tế vẫn chưa được giải quyết sau những biến cố lớn của ngành y tế vừa qua.

Thời gian qua, tình trạng không cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh, nhất là thiếu các thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, thuốc biệt dược, vật tư tiêu hao xảy ra ở nhiều bệnh viện.

 

*Thiếu thuốc trầm trọng

Một bệnh nhân ở Hà Nội phản ánh, bị đau dạ dày, đại tràng, được bác sỹ kê đơn nhưng đã 5 lần ra Bệnh viện Bạch Mai không mua được loại thuốc này, tìm kiếm tại các nhà thuốc bệnh viện khác và trên thị trường cũng không có.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Từ giữa tháng 5/2022, Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang đã thiếu trầm trọng các loại thuốc kháng sinh, thuốc tiểu đường, huyết áp, viêm gan, thuốc điều trị ung thư, thuốc an thần, điều trị dạ dày… Các bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế, trạm y tế xã trên địa bàn cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Hệ thống PET/CT tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đã phải ngưng hoạt động từ cuối năm 2021 do vướng các thủ tục giấy tờ, doanh nghiệp cung cấp thuốc phóng xạ 18F-FDG bị gián đoạn sản xuất. Cho đến ngày 9/6 vừa qua, hệ thống này mới được hoạt động trở lại.

Lãnh đạo một bệnh viện tại Hà Nội chia sẻ, sau những biến cố lớn của ngành y tế vừa qua, việc đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao rất khó khăn. Đơn cử, mặt hàng thuốc gây mê rất khó mua vì đây là thuốc thuộc diện phải kiểm soát, không phải nhiều nơi dùng. Theo quy định, đã mua thuốc thì phải dùng hết ít nhất 80% loại thuốc đã mua, nhưng đối với nhiều thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, các bệnh viện không thể lường trước được có đủ bệnh nhân để dùng hết thuốc hay không, do đó không dám đấu thầu.

Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), việc mua sắm, đấu thầu thuốc chia làm ba cấp. Cấp quốc gia do Bộ Y tế đấu thầu tập trung một số loại thuốc theo danh mục; địa phương đấu thầu tập trung cấp tỉnh do Sở Y tế đứng ra; cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế được phân cấp tự đấu thầu. Với những gói thầu trên 5 tỷ đồng do Bộ Y tế phê duyệt, dưới mức trên do bệnh viện tự quyết định nếu tự chủ tài chính.

“Với các gói thầu thuốc dưới 5 tỷ đồng mà chậm trễ, gây thiếu thuốc cho bệnh nhân thì trách nhiệm thuộc cơ sở khám, chữa bệnh. Khi gần hết thuốc, cơ sở khám, chữa bệnh phải xây dựng kế hoạch, tổ chức đấu thầu”, ông Phúc nhấn mạnh.

Phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào sáng 1/6, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ ra rằng “việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện cả công và tư”. Theo ông, gần đây có vị bộ trưởng than phiền, muốn mua viên Zinat, một loại kháng sinh rất thông dụng mà không thể mua được ở các cửa hàng.

“Vấn đề đặt ra là sau cơn bão lớn, việc phục hồi và phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào. Không thể vì những vi phạm xảy ra mà chúng ta đề cả một hệ thống tê liệt. Những khó khăn trước đây như thu nhập nhân viên y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men không được cải thiện mà thậm chí còn tệ hơn bao giờ hết. Nếu các vị đại biểu Quốc hội có thời gian thăm các bệnh viện địa phương mình sẽ thấy tình hình có thể coi là nguy hiểm này. Rất nhiều nhân viên y tế, cán bộ bảo hiểm xã hội, các cử tri, người bệnh đã gửi gắm cho tôi nỗi lòng của mình về những khó khăn hiện nay, trong tương lai của hệ thống y tế Việt Nam”, ông nói.

* Đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Liên quan đến đấu thầu mua sắm và cung ứng thuốc bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị các đơn vị theo dõi tiến độ đấu thầu thuốc của từng gói thầu tập trung, đấu thầu bổ sung tại Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh, để kịp thời có ý kiến, tránh tình trạng chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ điều trị và phát sinh việc mua sắm thuốc không đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tham gia có hiệu quả vào quá trình lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc tại các Hội đồng đấu thầu nhằm lựa chọn nhà thầu đủ năng lực cung ứng thuốc đảm bảo chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu điều trị theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bảo hiểm xã hội các địa phương, đơn vị phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn có ngay các giải pháp cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm y tế: “bảo đảm cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật phù hợp tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế”.

Cùng với đó, chủ động đề nghị Sở Y tế, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tổ chức đấu thầu mua sắm theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá khi chưa có kết quả đấu thầu; đấu thầu, mua sắm kịp thời đáp ứng yêu cầu điều trị đối với các thuốc nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 của các thuốc thuộc danh mục đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia theo phân cấp của Bộ Y tế. Theo dõi, đôn đốc việc mua sắm thuốc đảm bảo các cơ sở thực hiện tối thiểu 80% giá trị của từng phần trong hợp đồng đã ký kết đối với thuốc đấu thầu tập trung theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Thông tư số 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Về đấu thầu mua sắm và cung ứng vật tư y tế, Bảo hiểm xã hội các địa phương, đơn vị phối hợp với Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn rà soát kết quả đấu thầu, số lượng vật tư y tế còn tồn và thời gian dự kiến sử dụng hết tại cơ sở khám, chữa bệnh, thời gian dự kiến hoàn thành quy trình đấu thầu để xây dựng kế hoạch và thực hiện đấu thầu mua sắm, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Chủ động cung cấp thông tin về kết quả đấu thầu vật tư y tế tại các địa phương, đơn vị (do Bảo hiểm xã hội Việt Nam đăng tải trên trang Thông tin điện tử) để các Hội đồng đấu thầu vật tư y tế trên địa bàn tham khảo, lựa chọn chủng loại vật tư y tế và xây dựng giá kế hoạch phù hợp, đúng quy định của pháp luật đấu thầu.

Trước đó, vào ngày 13/6, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 1566/BHXH -CSYT gửi Bộ Y tế về việc đấu thầu mua, sắm thuốc, vật tư y tế đảm bảo công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Để việc cung ứng thuốc, vật tư y tế kịp thời, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia và các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ đấu thầu đối với các thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá; chỉ đạo, hướng dẫn Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với thuốc thuộc Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá theo quy định.

Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện mua sắm nhanh bằng các hình thức khác, phù hợp với Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn,… tuyệt đối không để người bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục