Không dễ đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp

14:23' - 21/02/2024
BNEWS Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp là cần thiết nhưng để áp dụng hiệu quả trong thực tế là không hề dễ dàng.

Gần đây, Chính phủ đã triển khai một số chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và chuyển giao công nghệ như Quyết định 429/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030; Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 27/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030; Quyết định 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 và Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cùng một số chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, kết quả triển khai chưa thực sự tương xứng và đáp ứng đúng kỳ vọng.

Thực tế cho thấy, không dễ để ứng dụng khoa học, công nghệ hay đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp. Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ lý giải, do sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ. Chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp hiện chưa cao. Thị trường tiêu thụ đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định.

 

Cùng với đó, cơ chế, chính sách khuyến khích chưa đáp ứng kịp thời cụ thể, chưa có chính sách thực sự hấp dẫn để thu hút được nhiều doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ; chưa có chính sách hỗ trợ về đầu tư mạo hiểm; chính sách tín dụng chưa hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và còn thiếu nhiều sàn giao dịch công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu có thì năng lực còn yếu...

Ngoài ra, còn có những thách thức khác nữa, như ông Ngụy Thành Dũng, công tác tại Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng cho hay, kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ còn thấp, chưa thực sự thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp.

Hoạt động sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm tiến hành riêng lẻ ở quy mô hộ gia đình còn mang tính tự phát, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa bốn nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông, chưa được sử dụng công nghệ hỗ trợ, vì vậy năng suất và chất lượng thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Bên cạnh đó, còn thiếu những kỹ thuật viên, cộng tác viên, chuyên gia có trình độ khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm để hướng dẫn người dân trong thực hành, ứng dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.

Trước thực trạng này và để đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, theo ông Dũng, cần nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm các cấp ủy Đảng và chính quyền trong việc đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất tiên tiến, thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm thông minh.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách phát triển nhân lực cho ngành nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa; tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và các dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật; hoàn thiện các quy trình trồng và chăm sóc theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với các biện pháp thâm canh cây trồng, nuôi dưỡng gia súc, nuôi trồng thủy sản, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ xây dựng và quản lý thủy lợi tiên tiến.

Tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thái, nông hộ chăn nuôi tại xã Phú Túc kiến nghị, chính quyền cần khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thực tiễn quá trình canh tác và chế biến; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, ngành chức năng cần tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân, tập trung vào việc phổ biến hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ sản xuất mới theo hướng VietGAP nhằm nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa của địa phương

Cũng nên xây dựng thêm nhiều mô hình trình diễn, đẩy mạnh chuyển giao giống và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; cần thường xuyên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho các sản phẩm nhiều giá trị gia tăng, có như vậy mới tăng cường sự gắn kết 4 nhà, giúp gia tăng hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, ông Thái kiến nghị.

Những năm gần đây, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã và đang ngày càng được quan tâm, nhân rộng trên phạm vi cả nước. Báo cáo từ Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ghi nhận, chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp hay còn gọi là TFP - chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, nhờ vào tác động của các nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động... đã đóng góp trên 50% tăng trưởng của ngành nông nghiệp; sự hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ của hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới tích hợp nhiều công nghệ cao; việc ứng dụng Big Data (dữ liệu lớn), IoT (Internet vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo) trong việc quản lý và chăm sóc cây trồng, truy xuất nguồn gốc và ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất, tự động hóa và chế biến sâu sau thu hoạch.

Theo ông Phạm Đức Nghiệm, cho dù nỗ lực hiện đại hóa ngành nông nghiệp vẫn đang trong tiến trình được thúc đẩy, nhưng nền nông nghiệp trong nước vẫn đứng trước nhiều thách thức.

Cụ thể như với lĩnh vực trồng trọt, việc sử dụng phân bón vô cơ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, tương đương 80,4%; tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học chỉ đạt thấp, tương đương 13%; đa số còn lại vẫn là dùng hóa chất; tỷ lệ thất thoát và tổn thất nông sản sau thu hoạt ước tính ở mức 20-25%/năm, tương ứng giá trị 3,9 tỷ đô la Mỹ (USD).

Hay như trong lĩnh vực chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn đang phải nhập khẩu tới 70%, tương đương 5,7 tỷ USD; lượng kháng sinh sử dụng trên đầu gia cầm cao gấp nhiều lần so với ở một số nước châu Âu...

Điều này cho thấy việc đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường đầu tư cho đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đang là nhu cầu cấp thiết hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục