Không để khan hàng, tăng giá trong dịp Tết 2018

10:35' - 12/12/2017
BNEWS Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong những tháng Tết sắp tới, sức mua của người dân sẽ tăng cao nên các doanh nghiệp cần sẵn sàng cung ứng hàng hóa kịp thời ra thị trường.
Không để khan hàng, tăng giá trong dịp Tết 2018. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, do thu nhập của người dân năm vừa qua không có nhiều biến động lớn, việc tăng lương cơ bản cũng chỉ bù đắp được mức độ tăng giá (khoảng 3%), trong khi hàng hóa khá dồi dào nên dự báo, sẽ không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến.

Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Mậu Tuất sắp tới, Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp tích trữ hàng hóa tập trung vào các nhóm hàng: gạo, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy sản, nông lâm sản khô… Ước tính giá trị hàng hóa khoảng 26.000 tỷ đồng.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, các địa phương cần chú trọng phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn, bảo đảm việc tiếp cận nguồn hàng tới mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt là ở ngoại thành, các khu công nghiệp có nhiều công nhân, nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất, dự trữ hợp lý để đảm bảo điều tiết nguồn hàng kịp thời, giá cả hợp lý… không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng khẳng định, trách nhiệm cung ứng hàng hóa Tết năm nay ngoài đảm bảo số lượng, chất lượng, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu công tác này không được tập trung quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sẽ có nguy cơ diễn biến phức tạp.

Trên toàn địa bàn thành phố, chỉ cần 1 loại thực phẩm cung cấp tới người dân có vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ngộ độc sẽ tạo ra phản ứng tiêu cực đối với người tiêu dùng, diễn biến phức tạp và khó khăn trong xử lý.

Do đó, thành phố hết sức quan tâm đến vấn đề quản lý vệ sinh an toàn toàn thực phẩm. Để làm được điều này, Hà Nội sẽ tăng cường kết nối giữa các đơn vị sản xuất với phân phối, nhằm hình thành chuỗi cung ứng chặt chẽ, bảo đảm rõ nguồn gốc xuất xứ, để cung ứng hàng hóa an toàn cho thị trường Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, Bộ luật Hình sự hiện nay đã có thêm chế tài quy định, tất cả cá nhân, tổ chức nào cố tình sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm hoặc trong chăn nuôi, trồng trọt, không cần có hậu quả nghiêm trọng xảy ra đều sẽ bị xử lý hình sự.

Quy định này đã giúp các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, quản lý thị trường sẽ tăng cường toàn bộ lực lượng, tiến hành kiểm tra kiểm soát thị trường trong thời điểm cuối năm, ngăn chặn tình trạng tuồn hàng lậu, hàng hóa không an toàn lưu thông trên thị trường Thủ đô…/.

>>> Người chăn nuôi tiếp tục cầm cự, nguồn cung thịt lợn dịp Tết không thiếu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục