Không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống

17:16' - 03/01/2024
BNEWS Bộ Công Thương yêu cầu chấp hành đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao.

Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

 

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường và yêu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp bảo đảm chủ động, tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội.

Đồng thời, Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước có kế hoạch, phương án kinh doanh, bán lẻ xăng dầu khoa học, hợp lý, khả thi, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường; bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính công bố, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước và theo quy định pháp luật, tín hiệu thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các cơ quan thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn, tạo nguồn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương yêu cầu chấp hành đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao (cả về số lượng, chủng loại) để bảo đảm cung cấp liên tục xăng dầu cho các khách hàng; chủ động nguồn hàng (cả nguồn trong nước và nhập khẩu), thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.

"Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường; bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024", Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu.

Ngoài ra, các đơn vị thương nhân phải chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý để đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường; có cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu trong nước (tại hợp đồng ký kết giữa các bên); trong đó cần cam kết rõ ràng, chặt chẽ các chế tài xử lý khi một trong các bên vi phạm để bảo đảm các thương nhân sản xuất và thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình theo đúng nội dung, sản lượng đã ký kết giữa các bên.

Các thương nhân chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu, dữ liệu cho các cơ quan chức năng (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương …) để làm cơ sở cập nhật chính xác, tính đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, đảm bảo hiệu quả trong công tác điều hành, bình ổn giá mặt hàng xăng dầu, hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân...

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá mặt hàng xăng dầu và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa. Nhờ tích cực triển khai các giải pháp và thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Chính phủ giao, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2023 cơ bản được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của một số yếu tố quốc tế như: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; Xung đột tại Ukraine, dải Gaza có thể còn kéo dài, nguy cơ xung đột tại khu vực Biển Đỏ… tiềm ẩn đứt gãy chuỗi cung ứng, gây gián đoạn thương mại quốc tế và dòng chảy năng lượng toàn cầu; việc OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ; kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm…; triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn… đã và đang ảnh hưởng đến giá xăng dầu và nguồn cung xăng dầu cho thị trường thế giới và trong nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục