Không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hệ thống ngân hàng

10:30' - 03/09/2017
BNEWS Những nội dung cốt yếu của Nghị quyết 42 là những điểm đột phá, quy định pháp lý đột phá mà đến thời điểm hiện nay sẽ giúp cho hệ thống ngân hàng giải quyết được những vấn đề khó khăn vướng mắc.
Không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hệ thống ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước.Ảnh minh họa: Quang Phúc

Sự vào cuộc quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước thông qua việc thực hiện quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2011-2015 đã giúp hệ thống ngân hàng dần ổn định, tránh được nguy cơ rủi ro và nợ xấu dần được giải quyết theo chiều hướng tích cực hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, vẫn còn những tồn tại và hạn chế cần được ngành ngân hàng tiếp tục xử lý. Xoay quanh chủ đề này, phóng viên (PV) TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đăng Phi, Phó chánh Thanh tra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

BNEWS/TTXVN: Xin ông cho biết những nhận định khái quát về tình hình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay?

Ông Trần Đăng Phi: Hệ thống các tổ chức tín dụng ở thời điểm cuối năm 2011 hết sức khó khăn. Một bộ phận không nhỏ trong các tổ chức tín dụng có trạng thái mất khả năng chi trả, tiềm ẩn rủi ro rất cao và có nguy cơ đổ vỡ, mất an toàn hệ thống ngân hàng.

Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Chính phủ về đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả, hoạt động của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng, báo cáo Bộ Chính trị và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại các hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015; Đề án xử lý nợ xấu hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Tính đến cuối năm 2015, quá trình thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững hơn của hệ thống ngân hàng các giai đoạn tiếp theo.

Cụ thể, các tồn tại yếu kém của các hệ thống tổ chức tín dụng và từng tổ chức tín dụng đã được xử lý một bước quan trọng. Sự ổn định an toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng được giữ vững và từng bước được cải thiện.

Tài sản của Nhà nước, nhân dân được đảm bảo an toàn, chi trả đầy đủ. Hệ thống các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại toàn diện, không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hệ thống ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước.

Bên cạnh đó, hoạt động về sát nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu là sử dụng các nguồn lực xã hội, không sử dụng trực tiếp ngân sách nhà nước.

Số tổ chức tín dụng có qui mô nhỏ hoạt động yếu kém được giảm dần. Cùng với đó, năng lực tài chính và qui mô hoạt động của các tổ chức tín dụng từng bước được cải thiện và góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là năng lực quản trị, điều hành của từng ngân hàng được nâng cao, tiếp cận với những thông lệ tốt nhất của quốc tế.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trong hệ thống các tổ chức tín dụng đến thời điểm cuối năm 2015 đã giảm về mức dưới 3%. Toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai các giải pháp theo qui định của pháp luật bao gồm tăng cường việc trích lập dự phòng rồi sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro rồi bán nợ cơ cấu và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để từng bước doanh nghiệp có được nguồn thu, tạo ra dòng tiền trả nợ cho ngân hàng.

Vấn đề sở hữu chéo và đầu tư chéo trong hệ thống ngân hàng đã được xử lý một bước quan trọng. Tình trạng về cổ đông, nhóm cổ đông lớn chi phối ngân hàng đã được xử lý và kiểm soát về mặt cơ bản, lợi ích nhóm đã được giảm dần.

BNEWS/TTXVN:Thưa ông, vậy tình hình xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến nay như thế nào ? 

Ông Trần Đăng Phi: Từ giai đoạn 2011 cho đến tháng 5/2017, toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 640 ngàn tỷ đồng nợ xấu; trong đó chủ yếu là các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu bằng các giải pháp như khách hàng trả nợ, các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo...

Những giải pháp như thế chiếm trên 57%, còn lại các tổ chức tín dụng xử lý bằng cách bán cho VAMC khoảng 43%. Đến nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 3%, cụ thể là 2,53%.

BNEWS/TTXVN: Lần đầu tiên, Quốc hội có văn bản pháp lý về xử lý nợ xấu, cụ thể là Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Vậy những chính sách trên có tác động thế nào đến câu chuyện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu giai đoạn tới, thưa ông?

Ông Trần Đăng Phi: Nghị quyết số 42 của Quốc hội cũng như Đề án mà Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt là những văn bản cực kỳ quan trọng đối với toàn ngành ngân hàng trong vấn đề về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức và xử lý nợ xấu.

Những nội dung cốt yếu của Nghị quyết 42 là những điểm đột phá, quy định pháp lý đột phá mà đến thời điểm hiện nay sẽ giúp cho hệ thống ngân hàng giải quyết được những vấn đề khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu của các hệ thống tổ chức tín dụng.

Đặc biệt là những nội dung giải quyết được khó khăn vướng mắc về hành lang pháp lý liên quan đến những xung đột pháp lý hiện nay.

BNEWS/TTXVN: Xin ông cho biết ngành ngân hàng đã có những kế hoạch và giải pháp gì để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Đề án của Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 ?

Ngay từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42, ngành ngân hàng đã triển khai ngay các hoạt động liên quan đến việc là triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Cụ thể là ngay từ ngày 5/7, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ký Quyết định số 1403 thành lập Ban chỉ đạo của ngành ngân hàng để thực hiện đề án cơ cấu lại các hệ thống tổ chức tín dụng cũng như xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Tiếp theo đó, ngày 20/7, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 06 để thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội và Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, Thống đốc đã phân công cụ thể cho tất cả các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước cũng như giao nhiệm vụ cho từng tổ chức tín dụng thực hiện các nội dung liên quan đến những yêu cầu trong Nghị quyết 42 cũng như Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

Hệ thống ngân hàng sẽ tiến tới thực hiện các chuẩn mực của basel II và đảm bảo rằng có từ 12 cho đến 15 các tổ chức tín dụng đạt được những chuẩn mực basel II ở mức cơ bản trở lên. Và đây là những mục tiêu rất lớn của hệ thống.

BNEWS/TTXVN: Xin cảm ơn ông !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục