Không để xảy ra tình trạng phải trả lại vốn đầu tư công

14:31' - 06/09/2024
BNEWS Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 được cải thiện so với những năm trước nhưng vẫn còn thấp so với tỷ lệ bình quân cả nước, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Thông tin cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền sẽ gây mưa lớn, nước sông dâng cao, bà Trần Thị Bông ở xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã không còn lo lắng nhiều như những năm trước, vì trước mùa mưa lũ năm nay, nhà của bà Bông ở khu vực thường xuyên bị sạt lở bờ sông Thu Bồn, con sông lớn nhất tỉnh, đã được bảo vệ bởi các tuyến kè bằng bê tông cốt thép vững chãi.

 

Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam Võ Văn Điềm cho biết, kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Thu Bồn, đoạn qua địa phận hai xã Duy Tân và Duy Thu, huyện Duy Xuyên là 1 trong 3 dự án khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023. Với nguồn vốn đầu tư trên 60 tỷ đồng, khi hoàn thành, tuyến kè có khả năng bảo vệ cho hơn 4 Km bờ sông khỏi nạn sạt lở hàng năm, bảo vệ nhà cửa, hoa màu của người dân trong vùng.

"Để đảm bảo giải ngân nguồn vốn của công trình, chúng tôi thực hiện chủ trương thi công đến đâu, khối lượng đạt bao nhiêu, đơn vị thi công được nghiệm thu, thanh toán đến đó, song phải đảm bảo các quy định của pháp luật. Nhờ vậy đến nay, nguồn vốn của công trình được giải ngân đạt hơn một nửa, đến cuối năm sẽ đạt 100%", ông Điềm chia sẻ.

Công trình chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Thu Bồn là một trong số hàng chục công trình khẩn cấp nhằm khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023 tại Quảng Nam. Tuy nhiên tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công các công trình khắc phục hậu quả thiên tai đạt kết quả như công trình chống sạt lở khẩn cấp trên sông Thu Bồn chưa nhiều.

Phó Giám đốc Kho Bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam Phạm Văn Phong cho biết: Năm 2024, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Nam, bao gồm vốn năm 2023 chuyển sang đạt 8.910  tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 8/2024, tỉnh giải ngân được 3.346 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38%.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhìn nhận, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 được cải thiện so với những năm trước nhưng vẫn còn thấp so với tỷ lệ bình quân của cả nước, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Nguyên nhân khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Nam trong những tháng đầu năm 2024 chưa đạt bởi những vướng mắc về các thủ tục, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nguồn vốn chậm được phân bổ vốn về cho các địa phương, giá cả vật liệu tăng cao; vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi khan hiếm, đất đắp nền thiếu nghiêm trọng, tình trạng sợ trách nhiệm vẫn còn hiện hữu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, người đứng đầu. Thêm vào đó là trong quá trình xây dựng giá nguyên liệu, một số địa phương lập đơn giá chưa đảm bảo sát với thực tế, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị thi công, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Khó khăn nữa là nguồn thu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Nam trong năm 2024 là 2.700 tỷ đồng; trong đó, cấp tỉnh đưa vào cân đối là 1.072 tỷ đồng. Tuy nhiên nguồn thu tiền sử dụng đất không mấy khả quan, khả năng sẽ không thu được so với dự toán được giao, vì vậy gây ảnh hưởng đến việc phân bổ vốn và giải ngân vốn đầu tư công.

Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2024, cùng với việc yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, thi công đến đâu lập hồ sơ thanh toán khối lượng đến đó, tiếp tục cho ứng vốn để triển khai thi công, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục kiên quyết điều chỉnh vốn của một số dự án không có khả năng giải ngân chuyển sang các dự án tiêu thụ tốt nguồn vốn, kiên quyết không để xảy ra tình trạng phải trả lại vốn do tiêu thụ không hết.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng, để tiêu thụ mạnh nguồn vốn đầu tư công, những tháng cuối năm 2024, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương rà soát toàn bộ dự án, qua đó đánh giá cụ thể tiến độ triển khai thi công, giải quyết dứt điểm những tồn tại vướng mắc, nhất là vướng mắt về giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu đối với công trình trọng điểm. Nếu để mất vốn do không giải ngân hết thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh những giải pháp trên, để đạt mục tiêu đến ngày 30/9 giải ngân đạt trên 60%, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao khi kết thúc năm 2024, tỉnh Quảng Nam đang thực hiện chỉ tiêu mỗi tháng các địa phương trong tỉnh giải ngân tối thiểu đạt hơn 10% tổng kế hoạch vốn năm, xem đây là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của người đứng đầu, là cơ sở để xem xét giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết thêm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục