Không để xung đột nguồn nguyên liệu mía cho vụ ép mới 2022-2023

21:13' - 09/11/2022
BNEWS Các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xây dựng phương án thu mua nguồn nguyên liệu mía cho người dân, đảm bảo không để xảy ra xung đột nguồn nguyên liệu giữa các nhà máy trong vùng.

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ bước vào vụ ép mía 2022-2023, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xây dựng phương án thu mua nguồn nguyên liệu mía cho người dân, đảm bảo không để xảy ra xung đột nguồn nguyên liệu giữa các nhà máy trong vùng, giữa người trồng mía và nhà máy.

 

Để chuẩn bị cho vụ ép mía mới, ngay từ đầu vụ, Nhà máy Đường An Khê đã lên phương án cụ thể cho từng vùng nguyên liệu, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Theo đó, nhà máy đã tiến hành đầu tư hơn 350 tỷ đồng (không tính lãi suất) cho người dân tham gia trồng mía nguyên liệu cho nhà máy.

Mặt khác, nhà máy cũng đã thực hiện ký hợp đồng giá mía bảo hiểm cho vụ mùa 2022-2023; đảm bảo người trồng mía có giá bán ổn định thấp nhất 1.050.000 đồng/tấn/10 chỉ số đường, tạo sự an tâm cho người trồng mía dù giá mía có xuống thấp hơn nữa. Cụ thể, mức giá thu mua mía tại ruộng được bảo hiểm 1.050.000 đồng/tấn mía có 10 chữ đường.

Trong vụ thu hoạch 2022-2023, căn cứ vào tình hình thực tế trên thị trường, Nhà máy Đường An Khê sẽ ban hành giá thu mua mía nguyên liệu phù hợp với từng giai đoạn, nhưng không thấp hơn mức giá bảo hiểm nói trên.

Ông Nguyễn Hoàng Phước - Phó giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho biết, đối với vụ ép mới năm nay, nhà máy đã lên kế hoạch cụ thể; trong đó, tập trung ổn định nguồn nguyên liệu, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, tránh xung đột vùng nguyên liệu, gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự trong vùng.

Hiện nhà máy đã thực hiện đầu tư vốn, kỹ thuật, thay đổi giống mía mới, hỗ trợ máy móc thu hoạch cho người trồng mía; đảm bảo người trồng mía sẽ có được những ưu đãi tốt nhất, tăng thu nhập, yên tâm với các chính sách, đãi ngộ của nhà máy. Từ đó, gắn bó với nhà máy để cùng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Đặc biệt, để thu mua nguyên liệu nhanh và ổn định cho người trồng mía, phía nhà máy cũng đã đầu tư nâng công suất lên 18.000 tấn mía/ngày, đảm bảo thu hoạch đúng thời vụ cho người dân. Ngoài ra, nhà máy cũng đã đầu tư 8 máy thu hoạch mía tự động với công suất 300 tấn mía cây/ ngày. Từ đó, giảm chi phí trên 15 triệu/ha cho người trồng mía.

Giống mía KK3 và U Thông 11 cũng được phía nhà máy đầu tư trồng trên 80% diện tích trong dân không chỉ tăng năng suất, chống chịu sâu bệnh mà còn đảm bảo chỉ số đường đạt cao, giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống với cây mía.

“Nhà máy Đường An Khê sẽ đầu tư diện tích mía trồng tơ 3 giống mía mới gồm: Uthoong 11, KK3 và LK92-11; đơn giá đầu tư từ 6-12 triệu đồng/ha. Về phân bón nhà máy sẽ đầu tư cả diện tích trồng tơ và mía lưu gốc từ 800-1.000kg/ha. Về khoản đầu tư làm đất, trồng, chăm sóc mía, đối với diện tích người dân tự làm đất, Nhà máy đường An Khê sẽ đầu tư 2 triệu đồng/ha” - ông Phước cho biết thêm.

Để tránh xung đột vùng nguyên liệu, tranh giành nguồn nguyên liệu khi vào vụ ép cao điểm, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trong vùng, ảnh hưởng đến kế hoạch ép của các nhà máy, phía Nhà máy Đường cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động người trồng mía thực hiện đúng các nguyên tắc đã ký kết với nhà máy.

Đặc biệt, lãnh đạo hai nhà máy đường lớn nhất trong tỉnh là Nhà máy Đường An Khê và Nhà máy Đường Ayun Pa (Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai) đã cùng “bắt tay” phối hợp thực hiện nhiều nội dung cho vụ ép mía mới; trong đó, tập trung ổn định vùng nguyên liệu hai bên, đảm bảo không để xảy ra tình trạng tranh mua - bán nguyên liệu của nhau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục