Không sớm cải thiện về nhân lực, ngành du lịch sẽ đối mặt rào cản

14:36' - 17/03/2019
BNEWS Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, việc thiếu nhân lực cả về số lượng và chất lượng nếu không sớm khắc phục sẽ trở thành rào cản đối với ngành du lịch trong tương lai.

Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, đến năm 2020, ngành du lịch Việt Nam cần trên 2 triệu lao động trực tiếp làm việc cho các cơ sở dịch vụ du lịch.

Việc thiếu nhân lực cả về số lượng và chất lượng nếu không sớm khắc phục sẽ trở thành rào cản đối với ngành du lịch trong tương lai.

*Năng suất chỉ cao hơn lao động phổ thông

Hướng dẫn viên giới thiệu về Văn Miếu với du khách quốc tế. Ảnh: Anh Tuấn/ TTXVN

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam nhận định: Nhân lực chất lượng cao là một trong những điểm nghẽn của ngành du lịch.

Năng suất lao động Việt Nam hiện bằng 45% so với Malaysia và 40% so với Thái Lan, thấp hơn nhiều so với khu vực, dù quy mô của ngành đã tăng nhiều lần trong những năm gần đây.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2000, tổng doanh thu ngành du lịch chỉ có 1,23 tỷ USD và đã tăng lên 22,71 tỷ USD vào năm 2017. Tuy nhiên, năng suất lao động của mỗi nhân sự trong ngành trong năm 2017 đạt khoảng 77 triệu đồng.

“Nếu nhìn vào con số thì đây có thể là tăng trưởng ấn tượng, nhưng nếu lấy giá trị ngành du lịch tạo ra chia cho tổng lao động thì năng suất tăng trưởng khá thấp.

Không chỉ so với các nước, năng suất lao động du lịch thậm chí còn thấp hơn so với nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam và chỉ cao hơn lao động phổ thông”. Ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Theo Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam, tính trong vòng 17 năm qua, không những năng suất thấp mà tăng trưởng năng suất lao động ngành du lịch cũng không khả quan so với nhiều ngành nghề khác.

Cụ thể, ngành khách sạn, nhà hàng mới chỉ tăng 1,2%/năm, còn trong lĩnh vực vận chuyển hành khách du lịch chỉ tăng có 3,1%/năm.

Đằng sau câu chuyện năng suất lao động thấp là chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch.

Yêu cầu của thị trường cần kiến thức tổng quát, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, tính chuyên nghiệp, thái độ làm việc, năng lực quản lý, lãnh đạo; đào tạo chất lượng đối với các kỹ năng chuyên môn hóa cao.

Trong khi đó, các chương trình đào tạo về cử nhân du lịch, tổ chức sự kiện, vận hành tour... đang đi vào các phân ngành hẹp; thiên về nghiệp vụ; thiếu gắn kết giữa chương trình đào tạo với tiêu chuẩn nghề du lịch (VTOS); thiếu đào tạo thực tiễn tích hợp học và làm.

Nói bất cập về đào tạo nguồn nhân lực, ông Phạm Hồng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Mường Thanh cho hay: “Có thời điểm, Mường Thanh mở liền 12 khách sạn, nhu cầu nhân lực rất lớn nhưng để tuyển dụng lực lượng lao động là điều vô cùng khó khăn, có lúc có thể nói phải vơ bèo gạt tép để tìm được nhân sự".

"Thực tế khó khăn chúng tôi vấp phải là những nhân sự mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, còn tồn tại một số yếu điểm như kén chọn, thiếu tính kiên nhẫn, nhiệt huyết nhưng lại không muốn làm những công việc phổ thông, điều này rất khó để phát triển nguồn nhân lực", ông Dũng nói.

Cùng quan điểm với những ý kiến trên, đại diện Ban Tổ chức Nhân sự của Công ty Du lịch Vietravel cho biết, hiện nguồn nhân lực được đào tạo chính quy chỉ mới đáp ứng được 60% nhu cầu nhân sự hằng năm của Vietravel nói riêng và các doanh nghiệp trong ngành nói chung.

Trong đó, số lượng sinh viên được đào tạo đúng chuyên ngành vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành du lịch dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực đáng kể trong những năm gần đây.

Xét về chất lượng, kiến thức thực tế về tuyến điểm và sản phẩm dịch vụ là một rào cản đáng kể của hầu hết nhân sự mới.

Đặc biệt, ngành du lịch đòi hỏi đội ngũ nguồn nhân lực phải chịu được áp lực công việc cao, khả năng giải quyết tình huống tốt.

Thêm nữa, một trong nhưng hạn chế khác của nguồn nhân lực ngành du lịch là định hướng nghề nghiệp của bản thân ứng viên chưa rõ ràng, chưa thể hiện được niềm đam mê với công việc mình lựa chọn để nỗ lực vượt qua khó khăn, học hỏi và phát triển.

*Xây dựng hệ thống đào tạo linh hoạt

Khách du khách quốc tế đến Thừa Thiên - Huế tại cảng Chân Mây. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN 

Để khắc phục những bất cập trên, theo ông Nguyễn Xuân Thành, thay vì tập trung nguồn lực xây dựng các chương trình đào tạo ở bậc đại học, sau đại học, Việt Nam nên có một hệ thống đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành du lịch mang tính linh hoạt hơn.

Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam cũng đề xuất ra hai chương trình đào tạo chính dành cho ngành du lịch là tập trung vào các chương trình đào tạo sau khi chuẩn bị ra nhập ngành, sẵn sàng vào ngành du lịch và sử dụng nền tảng công nghệ Open Digital Platform.

Chương trình thứ nhất cần tập trung chuyển đổi một cách có hệ thống vào lực lượng lao động du lịch dựa trên các tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS); tăng cường các kỹ năng và kiến thức thiết thực cho các nhóm ngành du lịch; tiếp thu kinh nghiệm làm việc thực tiễn dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia, cố vấn trong ngành...

Ở chương trình thứ hai, theo ông Nguyễn Xuân Thành, một trong những cách để tăng hiệu quả và cũng là xu hướng chung trong đào tạo hiện nay là sử dụng nền tảng công nghệ để đưa vào giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, tạo một Digital Platform mang tính mở.

Ở chương trình thứ hai này, ông Thành cho rằng nên kết hợp với các cơ sở doanh nghiệp để cùng xây dựng một Open Digital Platform như một trung tâm phát triển nguồn nhân lực trực tuyến, uy tín và có thể tổ chức ở nhiều cấp độ từ lãnh đạo quản lý trở xuống.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Đại học Trực tuyến FUNiX, Phó Chủ tịch Đại học FPT cho biết, bài toán giáo dục nhân lực cho du lịch vẫn còn nhiều vấn đề nhưng việc đào tạo online có thể đáp ứng được.

Lấy ví dụ về việc phát triển du lịch ở Hội An, nơi đây đang phát triển nhanh chóng nhưng nhân lực lại chưa thể đáp ứng. "Các khách sạn ở Hội An thiếu nhất là người dọn phòng". Hiệu trưởng FUNiX nói.

Theo ông Nam, các trường đại học hầu như không đào tạo người dọn phòng có thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể thực hiện qua Internet bởi Việt Nam có hạ tầng Internet được đánh giá tốt trên thế giới và người Việt có khả năng học hỏi khá cao. Nhân lực ngành du lịch sẽ có đột phá nếu các chứng chỉ đào tạo trên mạng được công nhận.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Khách sạn Lodgis, ông Craig Douglas nhận định rằng: “Chúng ta cần một người làm ít nhất hai năm để tích luỹ đủ kinh nghiệm.

Tuy nhiên, khi họ đã có đủ kinh nghiệm, khách sạn cần có chương trình để giữ chân họ. Chúng tôi từng làm các chương trình qua hình thức online hoặc chia sẻ qua tài liệu, video trực tuyến để đào tạo một số doanh nghiệp nhỏ".

Trong bối cảnh hội nhập mạnh như hiện nay, nhân lực ngành du lịch cần nhạy bén hơn với mọi thay đổi về tình hình kinh tế, chính trị và xã hội.

Ngoài ra, cần nhiều chương trình hợp tác kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để tạo ra những chương trình thực tập, kiến tập bổ sung kiến thức thực tế cho sinh viên nhiều hơn nhằm chuẩn bị tốt nhất cho quá trình hội nhập của sinh viên khi làm việc tại doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục