Không tái cấu trúc, doanh nghiệp sẽ khó tăng trưởng trước những “cơn gió nghịch”

21:23' - 10/10/2023
BNEWS Nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp trước các “cơn gió nghịch” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Nếu không tập trung tái cấu trúc, không nghiêm túc thực hiện dự án Hoạch định nguồn nhân lực doanh nghiệp (ERP) thì PNJ sẽ khó duy trì và có mức tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng COVID-19.

Đó là chia sẻ của bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) về câu chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp tại Tọa đàm “Thích ứng nhanh – Thay đổi lớn”, do Công ty NEWING tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh chiều 10/10.

 

Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, với lịch sử hoạt động hơn 35 năm, từ một doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi qua doanh nghiệp cổ phần và trở thành một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, PNJ đã trải qua nhiều lần tái cấu trúc doanh nghiệp. Điểm tích cực là trong suốt quá trình đó, PNJ luôn đạt kế hoạch tăng trưởng, các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh hàng năm.

“Dù PNJ là một thương hiệu mạnh, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế mở, nếu không thay đổi, không tự tái cấu trúc thì cũng sẽ khó cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Do đó, năm 2012 chúng tôi quyết định mời công ty nước ngoài về tư vấn quản trị, tái cấu trúc doanh nghiệp để thích ứng với sự thay đổi mới”, bà Dung chia sẻ.

Đặc biệt, đến giai đoạn 2018 - 2019, PNJ thực hiện chiến lược chuyển đổi số và trọng tâm là hệ thống quản trị SAP; trong đó có ERP. Tuy nhiên, vụ việc này cũng dẫn đến sự cố trong quá trình chuyển giao giữa 2 hệ thống cũ và mới, mà các công ty chứng khoán khi đó gọi là “sự cố ERP của PNJ”. Sự cố này khiến PNJ đối mặt với tình trạng dồn ứ đơn đặt hàng, khách hàng phản ánh, giá cổ phiếu tụt, doanh số giảm, số nhân sự xin nghỉ việc tăng đột biến và ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của công ty khi đó. Bà Dung cho biết.

Theo bà Dung, khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi, đó là một số nhân sự không vượt qua được thách thức của sự đổi mới. "Khi đó, chúng tôi phải quay lại củng cố niềm tin trong tổ chức, giải quyết bằng chính câu chuyện văn hóa doanh nghiệp. Nếu không quyết tâm áp dụng SAP, thì với số lượng 600 cửa hàng, PNJ sẽ không có sự tăng trưởng như những năm vừa qua. Ngay cả giai đoạn COVID-19, như năm 2022, lợi nhuận sau thuế của PNJ vẫn tăng 75% so với năm trước”, bà  Cao Thị Ngọc Dung cho hay.

Tại tọa đàm, đại diện PNJ cũng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc. Sự thay đổi phải đến từ tư duy của người lãnh đạo và người lãnh đạo phải dẫn dắt sự thay đổi đó, phải có mục tiêu rõ ràng, có sự cam kết cũng như sự kiên định với mục tiêu đã đề ra để không bị đứt gãy giữa chừng.

Cũng xoay quanh vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp, bà Phạm Thị Thanh Ngân, Giám đốc ngành hàng Công ty Decathlon Việt Nam – một Tập đoàn của Pháp chuyên sản xuất phân phối hàng thể thao đã có những chia sẻ về câu chuyện thay đổi và thích ứng nhanh trong bối cảnh COVID-19.

Theo bà Ngân, trước đây Decathlon chỉ phân phối sản phẩm qua hệ thống các cửa hàng, nhưng trong thời gian dịch COVID-19, để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng, công ty đã tăng tỷ trọng bán hàng trực tuyến. Đồng thời, ưu tiên đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy trong giai đoạn này khi cung ứng hàng ra 60 quốc gia khác nhau. Việc thay đổi thích ứng nhanh đã giúp tập đoàn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong giai đoạn qua.

“Sau giai đoạn COVID-19, chúng tôi rút ra được bài học, doanh nghiệp muốn thành công thì phải có nền tảng văn hóa doanh nghiệp với các giá trị cốt lõi riêng. Doanh nghiệp phải có chiến lược ưu tiên rõ ràng cho từng giai đoạn và định kỳ tập trung vào các hành động, giải pháp triển khai thì sẽ thích ứng được với các biến động mạnh”, bà Ngân chia sẻ một số kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp.

Thực tế, trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, cùng những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới và rủi ro gia tăng của nội tại nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và rút lui khỏi thị trường ghi nhận tăng nhanh trong những năm gần đây. Điều này cho thấy sức chống chịu của doanh nghiệp Việt còn khá hạn chế, khả năng quản trị các yếu tố rủi ro cũng như xây dựng kế hoạch để vượt qua thách thức chưa được đầu tư tương xứng. Do đó, nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp trước các “cơn gió nghịch” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Dưới góc độ của chuyên gia tư vấn chiến lược, ông Nick Petschek, Giám đốc điều hành của Kotter cho rằng, rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường như hiện nay. Những thay đổi này đưa đến cho doanh nghiệp những vấn đề “đau đầu”, nhưng có cả cơ hội trong đó. Các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội để dẫn dắt thị trường. Việc quản trị doanh nghiệp tốt sẽ là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, mang lại lợi nhuận, tạo ra lợi thế cạnh tranh, tạo giá trị bền vững cho doanh nghiệp.

Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp cần tiếp cận, áp dụng những nguyên tắc và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại theo thông lệ quốc tế. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo các quy tắc của thị trường, mà còn giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và tạo động lực phát triển ổn định nền kinh tế đất nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục