Không tăng thêm điều kiện làm hạn chế cơ hội đầu tư của doanh nghiệp

16:54' - 02/05/2018
BNEWS Theo kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng với số điểm lần lượt là 92.36% và 89.45%.

Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2017) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 (SIPAS 2017) đã được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức sáng 2/5.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, đại diện các bộ, ngành, địa phương.

*Quảng Ninh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu PAR INDEX 2017

Kết quả Chỉ số PAR INDEX 2017 được công bố tại Hội nghị cho thấy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu danh sách khối bộ, ngành với điểm số đạt được là 92.36%, Ủy ban Dân tộc đứng cuối bảng với 72.13% điểm, khoảng cách chênh lệch giữa hai đơn vị này là 20.23%.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đến dự và phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

12 bộ, ngành gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Tư pháp, Công Thương, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội có kết quả Chỉ số PAR INDEX trên 80%.

Các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư; Y tế và Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ đạt số điểm từ 70% - 80%.

Giá trị trung bình Chỉ số PAR INDEX của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 79.92%. Không có bộ nào có kết quả Chỉ số cải cách hành chính dưới 70%.  Với khối địa phương, tỉnh Quảng Ninh đứng đầu với 89.45% điểm, đứng cuối là Quảng Nam, 59.69%.

Theo kết quả đánh giá, Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các tỉnh, thành phố có giá trị trung bình đạt 77.72%, cao hơn so với giá trị trung bình năm 2016 là 3.08% (năm 2016 đạt 74,64%), trong đó, 32/63 tỉnh, thành phố có kết quả Chỉ số đạt trên giá trị trung bình; 60/63 đơn vị đạt kết quả Chỉ số trên 70%; chỉ có 3 đơn vị đạt kết quả Chỉ số dưới 70% (con số này so với năm 2016 là 15 đơn vị).

Theo ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 đã có những thay đổi đáng kể so với năm 2016 khi mà sự quan tâm của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố dành cho công tác cải cách hành chính ngày càng nhiều.

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh luôn là địa phương đi tiên phong trong việc triển khai thí điểm áp dụng các mô hình cải cách mới, mang tính đột phá mạnh mẽ như mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; sáng kiến thành lập trang Fanpage DDCI Quảng Ninh để tiếp nhận và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua mạng xã hội Facebook; các mô hình đổi mới sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức …

*Còn tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu

Ông Phạm Minh Hùng cho biết, với nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ, chính quyền địa phương trong thời gian qua, việc người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc đã giảm đáng kể, thể hiện qua 78,09% số người được hỏi khẳng định chỉ cần đi lại 1-2 lần trong quá trình giải quyết công việc; 16,94% đi lại 3-4 lần.

Tuy nhiên, vẫn còn có người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc với 2,24% số người được hỏi đi lại 5-6 lần và 2,47% đi lại 7 lần trở lên.

SIPAS 2017 cho thấy tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu, gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí đối với người dân, tổ chức trong quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công hiện nay vẫn diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành. 3,35% số người được hỏi trong cả nước khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc.

Hội nghị của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Tỉnh có số người được hỏi khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu nhiều nhất là 7,3%, thấp nhất là 0,2%. Bên cạnh đó, cũng có 1,85% số người được hỏi khẳng định công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí theo quy định.

82,8% số người được hỏi hài lòng về công chức có thái độ giao tiếp lịch sự; 80,78% hài lòng về công chức chú ý lắng nghe; 80,93% hài lòng về công chức trả lời, giải đáp đầy đủ. Chỉ số hài lòng chung về công chức là 81,81%, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng cho hay.

*Rà soát, hoàn thiện thể chế

Phát biểu chỉ đạo, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của Bộ Nội vụ trong việc triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận sự phối hợp có hiệu quả của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và các cơ quan có liên quan trong việc triển khai kế hoạch xác định hai Chỉ số trên cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, đặc biệt là công tác tổ chức điều tra xã hội học, tổng hợp phân tích số liệu, thẩm định.

Phó Thủ tướng nêu rõ, công tác cải cách hành chính luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo quyết liệt, coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thể chế đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức coi trọng.

Chỉ ra một số hạn chế đã được đề cập trong kết quả Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố sử dụng hiệu quả kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tại bộ, ngành, địa phương, đề ra các giải pháp phù hợp để khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Quán triệt đầy đủ tinh thần, nội dung của Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý công chức, viên chức; thể chế liên quan đến doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc không làm tăng thêm các điều kiện làm hạn chế cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế; khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống văn bản.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với nội dung trọng tâm là: Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; tình hình tổ chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp./.

Xem thêm:

>>>Giao cụ thể nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 tới từng bộ, ngành, địa phương

>>>Ban hành kế hoạch hoạt động năm 2018 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục