Không tuân thủ cam kết, các thị trường sẽ quay lưng với Hy Lạp

16:41' - 19/08/2018
BNEWS Thống đốc Yannis Stournaras cho biết rằng nếu không tuân thủ theo những cam kết với các chủ nợ, các thị trường hoặc bây giờ hoặc trong tương lai chắc chắc sẽ từ bỏ Hy Lạp.
Ngày 6/8, Hy Lạp đã được giải ngân khoản tiền cuối cùng trị giá 15 tỷ euro trong chương trình cứu trợ kéo dài 8 năm nhằm cứu quốc gia này thoát khỏi bờ vực phá sản.  Ảnh: TTXVN phát

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras cảnh báo Athens không nên “nuốt lời hứa” đối với các chủ nợ sau khi quốc gia này chính thức kết thúc gói cứu trợ thứ Hai tuần tới (20/8) nếu không muốn bị các thị trường “quay lưng”.

Athens sẽ kết thúc gói cứu trợ thứ ba và cuối cùng vào ngày 20/8 tới. Nước này sau đó sẽ phải dựa vào thị trường trái phiếu để chi trả cho các khoản nợ, sau khi một cuộc khủng hoảng nợ kéo dài gần chín năm đã khiến nền kinh tế thu hẹp tới 25% và buộc chính phủ phải thực hiện các biện pháp khắc khổ

Trả lời với báo giới, Thống đốc Yannis Stournaras cho biết rằng nếu không tuân thủ theo những cam kết với các chủ nợ, các thị trường hoặc bây giờ hoặc trong tương lai chắc chắc sẽ từ bỏ Hy Lạp. Điều này đồng nghĩa Athens sẽ không thể chi trả cho các trái phiếu đáo hạn một cách bền vững.

Ngoài ra, ông Yannis Stournaras cũng nói rằng bất kỳ sự bội ước nào cũng có thể khiến Hy Lạp phải đối mặt với những rủi ro lớn vào thời điểm nước này đặc biệt dễ bị tổn thương trước những biến động tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và xa hơn nữa.

Theo ông Stournaras, nếu những bất ổn xảy ra với các nền kinh tế láng giềng hay trên quy mô toàn cầu, Hy Lạp sẽ gặp khó khăn trong việc tiến vào các thị trường do tâm lý thận trọng của giới đầu tư về trái phiếu Hy Lạp vẫn ở mức cao.

Song Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng kiểm soát rủi ro này và cho rằng nó có thể bị triệt tiêu một khi Hy Lạp thuyết phục được các thị trường rằng nước này đang theo đuổi chính sách kinh tế đúng đắn và tuân thủ các cam kết của mình.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ bùng nổ vào đầu năm 2010, bốn chính phủ liên tiếp của Hy Lạp đã phải “chiến đấu” để ngăn không cho nền kinh tế phá sản, viện đến những gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử kinh tế khi nước này phải vay hơn 289 tỷ euro từ Liên min châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Đến tháng 7/2017, Athens đã trở lại thị trường trái phiếu chính phủ với việc phát hành lượng trái phiếu trị giá 3 tỷ euro, đánh dấu một mốc quan trọng trong cho thấy “sức khỏe” của nền kinh tế này đã dần hồi phục.

Sau khi được nhận các gói cứu trợ, Athens đã cam kết đạt yêu cầu thặng dư ngân sách sơ cấp - không bao gồm tiền trả lãi các khoản nợ - khoảng 3,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho đến năm 2022 và 2,2% GDP cho đến năm 2060.

Kinh tế Hy Lạp hiện đã tăng trưởng trở lại và tỷ lệ thấy nghiệp trong tháng 5/2018 đã giảm xuống dưới mức 20% lần đầu tiên kể từ năm 2011 đến nay. Song các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng những cải thiện về chỉ số kinh tế nêu trên chưa có tác động đến cuộc sống hàng ngày của người dân Hy Lạp.

Nền kinh tế này bắt buộc phải đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao trong những năm tới, nếu không các hộ gia đình – vốn ở trong tinh trạng khá khó khăn sau 10 năm suy thoái liên tiếp – sẽ tiếp tục bị tổn thương.

>>> Hy Lạp liệu đã hồi sinh? (Phần 1)

>>> Hy Lạp liệu đã hồi sinh? (Phần 2)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục