Hy Lạp được giải ngân khoản cứu trợ tài chính quốc tế cuối cùng

10:28' - 07/08/2018
BNEWS Ngày 6/8, Hy Lạp đã được giải ngân khoản tiền cuối cùng trị giá 15 tỷ euro trong chương trình cứu trợ kéo dài 8 năm nhằm cứu quốc gia này thoát khỏi bờ vực phá sản.
Hy Lạp nhận khoản cứu trợ quốc tế cuối cùng. Ảnh: Reuters

Khoản tiền này do Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) giải ngân chỉ hai tuần trước thời hạn chính thức kết thúc gói cứu trợ thứ 3 dành cho Hy Lạp vào ngày 20/8 tới.

Hy Lạp nhận được khoản giải ngân sau khi bộ trưởng Tài chính các quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt thỏa thuận "lịch sử" nhằm hỗ trợ quốc gia này giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đã đeo bám nhiều năm qua.

Giám đốc điều hành ESM Klaus Regling khẳng định khoản hỗ trợ cuối cùng và bản đánh giá tích cực về tình hình tại Hy Lạp là thành quả quốc gia này đã nỗ lực suốt 3 năm qua với việc áp dụng triệt để các biện pháp "thắt lưng buộc bụng".

Những chính sách cải cách cuối cùng mà Hy Lạp nhất trí thực hiện để đổi lấy khoản giải ngân đợt cuối này bao gồm nhiều hành động quan trọng trong lĩnh vực thuế, chống gian lận thuế, cải cách thu nhập công và giải quyết nợ xấu.

Ông Regling cho rằng việc ESM kết thúc chương trình cứu trợ vào ngày 20/8 tới sẽ là một cột mốc lớn với Hy Lạp, mở ra thời kỳ mới để quốc gia này chứng minh với các đối tác cũng như thị trường về việc duy trì các cải cách đã thực hiện.

Từ năm 2010, Hy Lạp rơi vào khủng hoảng tài chính công nghiêm trọng, đẩy quốc gia này tới bờ vực phá sản cũng như đe dọa tư cách thành viên của Athens trong Eurozone. Ba gói cứu trợ quốc tế đã được triển khai trong suốt 8 năm qua, trong đó gói cứu trợ cuối cùng bắt đầu từ năm 2015.

Đổi lại, Athens phải tuân thủ những điều kiện ngặt nghèo từ các chủ nợ quốc tế như các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" không được lòng dân, cải cách nhiều lĩnh vực công.

Cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp là một trong những vấn đề lớn nhất trong lịch sử Liên minh châu Âu (EU), làm dấy lên những quan ngại về một dự án châu Âu bền vững thời kỳ hậu chiến.

Sự kiện này cũng là nguồn cơn thổi bùng phong trào bài EU trên toàn châu lục và là một trong những yếu tố thúc đẩy người dân "xứ sở sương mù" lựa chọn đưa Anh rời khỏi EU hay còn gọi là Brexit./.

>>>S&P nâng bậc xếp hạng tín dụng cho Hy Lạp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục