Khu đô thị thông minh: Cột mốc quan trọng của hợp tác Việt Nam - CHLB Đức

16:28' - 06/05/2025
BNEWS Dự án SUA là kết quả tiêu biểu về hợp tác giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn, góp phần giải quyết những thách thức cấp bách của đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu...
Ngày 6/5, Hội thảo Khu đô thị Thông minh đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng (BMUV) của Cộng hòa Liên bang Đức cùng Đại học TU Dortmund phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, Dự án “Khu đô thị thông minh - giải pháp phát triển đô thị bền vững” (Smart Urban Areas - SUA) là cột mốc quan trọng đánh dấu 3 năm hợp tác thành công giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các trường đại học hàng đầu của Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức. Với nguồn tài trợ gần 2 triệu euro từ BMUV, dự án SUA là kết quả tiêu biểu về hợp tác giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn, góp phần giải quyết những thách thức cấp bách của đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu và nhu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon.

Theo ông Vũ Quốc Huy, sau 3 năm triển khai đúng tiến độ đã đề ra, Dự án SUA đã đạt được những kết quả đột phá, mang tính tiên phong. Lần đầu tiên, mô hình “bản sao kỹ thuật số” (Digital Twin) được triển khai để tối ưu hóa quản lý tòa nhà, từ việc sử dụng bơm hiệu suất cao của Wilo cho hệ thống tưới tiêu đến kỹ thuật phủ xanh tường và mái nhà, tái sử dụng nước mưa hiệu quả. Digital Twin là bản sao 3D của công trình thực tế, cung cấp thông tin chi tiết về vật liệu xây dựng, hệ thống cấp nước sử dụng máy bơm hiệu suất cao, sự tương tác giữa lớp vỏ công trình với vi khí hậu xung quanh và tác động của việc phủ xanh công trình.

Dự án SUA được triển khai từ năm 2022 nhằm xây dựng các mô hình sáng tạo cho thành phố và khu đô thị trong thời đại số hóa, với mục tiêu vừa ứng phó với những thách thức về quá trình đô thị hóa nhanh chóng, sự phát triển kinh tế toàn cầu và tình trạng biến đổi khí hậu kéo dài, vừa nâng cao chất lượng sống tại các đô thị trong tương lai.

Mục tiêu chính của dự án là theo dõi và thử nghiệm các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam trên cơ sở khoa học, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông minh, đo lường cảm biến và sử dụng Digital Twin cho công trình xây dựng. Trong ba năm thử nghiệm đầu tiên, dự án tập trung phát triển các mô hình có thể áp dụng tại nhiều địa phương khác nhau, hướng tới xây dựng những khu dân cư bền vững và thông minh trong dài hạn.

Bên lề hội thảo lần này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với GS.TSKH Nguyễn Xuân Thính, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học TU Dortmund, Giám đốc dự án SUA về các giải pháp phát triển đô thị bền vững.

Phóng viên TTXVN: Xin ông cho biết những đặc điểm nổi bật và khác biệt của dự án SUA so với các dự án nghiên cứu về xanh hóa khác tại Việt Nam?

GS.TSKH Nguyễn Xuân Thính: Dự án này được tôi lên ý tưởng ngay từ sự kiện Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018. Tới năm 2020, chúng tôi cùng với tập đoàn sản xuất máy bơm thông minh Wilo, tập đoàn công nghệ Siemens và Đại học TU Dortmund xây dựng dự án và được phê duyệt vào năm 2022. Từ đó tới nay, chúng tôi đã có những nghiên cứu mang tính chất tiên phong ở Việt Nam. Lần đầu tiên, mô hình Digital Twin được triển khai để tối ưu hóa quản lý tòa nhà cho 3 địa điểm thí điểm. Điểm đặc biệt của dự án là việc xã hội hóa trong việc nghiên cứu khoa học, đồng thời có sự tương tác với cộng đồng để hiện thực hóa các ý tưởng của dự án. Đây cũng là lần đầu tiên, một nhóm thực hiện dự án đã lắp đặt hệ thống tái sử dụng nước thải xám tại một ngôi nhà để tưới tiêu phủ xanh trên chính nóc nhà đó.

Phóng viên TTXVN: Qua giai đoạn thử nghiệm bước đầu của dự án, nhóm nghiên cứu của ông nhận thấy những vấn đề lớn còn tồn tại của các đô thị ở Việt Nam là gì và những khó khăn mà nhóm nghiên cứu dự án gặp phải?

GS.TSKH Nguyễn Xuân Thính: Thứ nhất, chúng tôi thấy rằng để xây dựng nhanh những khu đô thị mới, tiêu chuẩn phát triển những công trình xanh ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được. Thứ hai, kết nối về hạ tầng giao thông còn chưa đồng bộ, gây khó khăn cho cộng đồng dân cư. Thứ ba, áp lực về dân số cao, mật độ dân cư lớn do quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng là rào cản cho việc phát triển các khu đô thị thông minh. Bên cạnh đó, việc lắp đặt công nghệ mới được tiến hành ở các căn hộ, ngôi nhà đã xây dựng xong và đã được bàn giao cho chủ nhà, do vậy chúng tôi phải được sự đồng thuận của rất nhiều người để thực hiện dự án thí điểm. Đó là lý do chúng tôi nhấn mạnh rằng phải có sự tương tác xã hội, kết nối cộng đồng để cùng nhau thực hiện các dự án thí điểm tương tự.

Phóng viên TTXVN: Theo đánh giá của ông, sau giai đoạn thử nghiệm 3 năm, dự án có kế hoạch để nhân rộng ra các đô thị khác tại Việt Nam hay không?

GS.TSKH Nguyễn Xuân Thính: Chúng tôi rất mong muốn và quyết tâm để nhân rộng dự án. Tuy nhiên, điều này còn phục thuộc vào nguồn tài trợ của BMUV. Các kết quả nghiên cứu về mặt lý thuyết cũng như kinh nghiệm mà chúng tôi có được từ dự án thử nghiệm này sẽ là cơ sở cho các chuyên gia, các nhà quản lý tham khảo. Và điều này có thể góp phần thúc đẩy những giải pháp đô thị thông minh trên quy mô lớn hơn.

Phóng viên TTXVN: Xin cảm ơn ông.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục