Khu vực Caribe đánh giá thiệt hại do bão Beryl gây ra

14:37' - 10/07/2024
BNEWS Các nhà lãnh đạo khu vực Caribe vẫn đang đánh giá tổn thất tài chính do bão Beryl gây ra, sau khi cơn bão đầu mùa từ Đại Tây Dương này đã tàn phá Jamaica và các đảo phía Đông Caribe.

Tại cuộc họp báo ngày 9/7, Thủ tướng Grenada, Dickon Mitchell cho biết thảm họa này sẽ tác động lớn đến tình hình kinh tế của đất nước, với thiệt hại lên tới hàng trăm triệu USD và một số tiền tương đương để tái thiết. Cơn bão mạnh cấp 5 này đã khiến đảo Carriacou và Petite Martinique của Grenada gần như bị “phá hủy hoàn toàn”, khiến nhiều người dân rơi vào cảnh mất nhà cửa.

 

Trước tình hình này, Thủ tướng Mitchell đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các công trình có khả năng chống bão, trong bối cảnh thời tiết ngày càng khắc nghiệt, do biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ nước biển cao kỷ lục. Trong ngày 10/7, một nhóm công ty bảo hiểm sẽ đến khảo sát và Chính phủ Grenada dự định sẽ công bố các biện pháp tài chính vào đầu tuần tới.

Trong khi đó, quốc đảo Saint Lucia ước tính sơ bộ thiệt hại về nhà cửa, trong lĩnh vực nông nghiệp là gần 2 triệu USD.

Tại Jamaica, mưa lớn và đất đá đã cản trở công tác đánh giá thiệt hại. Báo cáo sơ bộ cho thấy ngành nông nghiệp nước này chịu thiệt hại hơn 6 triệu USD.

Chủ tịch Cộng đồng Caribe (CARICOM) Mohammed Ali cho biết bão đã tàn phá nhiều vườn cây lâu năm. Những tác động nghiêm trọng này khiến các nền kinh tế Caribe, vốn đang trong cảnh nợ nần, ngày càng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu nông sản.

Mặc dù có mức phát thải thấp, nhưng các quốc gia Caribe nằm trong số những nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tình trạng biến đổi khí hậu, do đại dương nóng lên và gia tăng tần suất cũng như cường độ của các cơn bão nghiêm trọng. Do đó, khu vực này từ lâu đã kêu gọi các quốc gia giàu có và gây ô nhiễm hàng đầu cần hành động nhiều hơn, như thực hiện cam kết về khí hậu và xem xét giảm nợ cho các nước nghèo.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục