Khủng hoảng bất động sản khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại

05:30' - 03/10/2023
BNEWS Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm tới, khi nền kinh tế lớn nhất châu Á phải vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản.

Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc hiện được dự đoán ở mức 4,4% cho năm 2024, giảm so với con số 4,8% mà WB đưa ra hồi tháng Tư.

Đối với các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc, bao gồm các quốc gia như Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, mức tăng trưởng dự kiến là 4,5% cho năm 2024, giảm so với mức 4,8% cách đây vài tháng.

Những số liệu này được đưa ra trong báo cáo của WB công bố ngày 2/10, cảnh báo về một “cú sốc tăng trưởng” đến từ các đối tác thương mại lớn nhất khu vực – Trung Quốc và Mỹ – sẽ tác động đến các nền kinh tế châu Á thông qua các dòng chảy tài chính và thương mại song phương.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB Aaditya Mattoo nhận định: “Trung Quốc đã trở thành một thị trường thực sự quan trọng đối với khu vực. Những gì xảy ra ở Trung Quốc thực sự quan trọng đối với hoạt động kinh tế ở phần còn lại của khu vực… các liên kết như thương mại và dịch vụ, khách du lịch Trung Quốc…”.

Mức dự báo tăng trưởng 4,4% trong năm 2024 có nghĩa là tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ không còn mạnh như giai đoạn trước đại dịch. Số liệu thống kê chính thức cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 6-7% mỗi năm vào cuối những năm 2010, trước khi chậm lại còn 2,2% vào năm 2020 do đại dịch.

Tốc độ tăng trưởng phục hồi lên 8,4% vào năm 2021 nhưng lại chậm lại ở mức 3% vào năm 2022 do chính sách nghiêm ngặt “Không COVID-19” của chính phủ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Trong năm nay, WB dự kiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,1%.

Báo cáo lưu ý: “Sự tăng trưởng trong quá khứ của Trung Quốc, chủ yếu nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản, đã khiến các công ty và chính quyền địa phương chịu gánh nặng nợ nần – khi cơ sở hạ tầng bão hòa khiến lợi nhuận giảm dần và tình trạng dư cung nhà ở làm giảm giá bất động sản”.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ gần đây đã chịu áp lực bởi những rắc rối từ các nhà phát triển bất động sản đang bị khó khăn bao vây. Chẳng hạn, từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất trong nước, Tập đoàn Evergrande Trung Quốc đang phải vật lộn với các khoản nợ lớn tích lũy trong nhiều năm, trong khi doanh số bán hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến lượng tiền mặt sau hành động siết chặt kiểm soát của chính phủ đối với lĩnh vực này.

Nhà kinh tế trưởng Mattoo lưu ý rằng các ước tính về đóng góp của lĩnh vực bất động sản vào GDP của Trung Quốc dao động từ 1/4 đến 1/3, bao gồm cả các ngành xung quanh hỗ trợ không gian bất động sản.

Ông nói: “Tỷ trọng của ngành này trong nền kinh tế đã trở nên rất lớn. Thật không may, chúng tôi nhận thấy những khó khăn trên diện rộng vì giá nhà ở những thành phố lớn nhất này dường như đang phục hồi, nhưng các thành phố hạng hai vẫn gặp khó khăn”.

WB dự báo tăng trưởng của các nước đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương sẽ duy trì ở mức 5% vào năm 2023, nhưng đà tăng trưởng đó sẽ giảm trong nửa cuối năm nay. Bất chấp những rắc rối của Trung Quốc, tổ chức này nhìn thấy những điểm sáng ở Đông Nam Á, với lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm bớt.

Trong khu vực, WB lưu ý rằng sự kết hợp giữa cải cách dịch vụ và số hóa đang tạo ra những cơ hội mới, với việc “phổ biến công nghệ kỹ thuật số” nhằm cải thiện hiệu quả kinh tế.

WB nhấn mạnh rằng ở Philippines, việc các công ty áp dụng phần mềm và phân tích dữ liệu đã giúp tăng năng suất trung bình 1,5% trong suốt thập kỷ trước.

Tuy nhiên, chuyên gia Mattoo lưu ý rằng rủi ro vẫn còn. Ông nói: “Với các quốc gia, các hộ gia đình, doanh nghiệp, nợ hiện cao hơn nhiều so với trước đây. Đó sẽ vẫn là một gánh nặng đối với các hộ gia đình - vì vậy họ sẽ chi tiêu ít hơn. Đối với các công ty - họ sẽ đầu tư ít hơn và đối với các chính phủ - điều đó sẽ hạn chế không gian tài chính mà họ có để hỗ trợ các hoạt động trong nền kinh tế"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục