Khủng hoảng người nhập cư chồng chất gánh nặng lên kinh tế EU

11:04' - 17/11/2015
BNEWS Trong năm 2015 sẽ có khoảng 700.000 người nhập cư tràn vào châu Âu qua biển Địa Trung Hải và con số này có thể còn tăng hơn trong năm 2016.
Người di cư chờ được qua biên giới tại cửa khẩu Berkasovo, gần thị trấn Sid của Serbia để vào Croatia. Ảnh: THX-TTXVN

Theo công bố của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ước tính trong năm 2015 sẽ có khoảng 700.000 người nhập cư tràn vào châu Âu qua biển Địa Trung Hải và con số này có thể còn tăng hơn trong năm 2016.

Đây thực sự là một vấn đề nan giải, một cuộc khủng hoảng đối với châu Âu và nó có tác động đến nhiều mặt nhất là trên lĩnh vực kinh tế.

Cho đến nay, chưa có một thống kê hay một con số cụ thể về chi phí, thiệt hại hay tác động về kinh tế của khủng hoảng nhập cư đối với châu Âu. Tuy vậy, có thể nói những tác động về kinh tế là không hề nhỏ.

Trong tháng Mười, Ủy ban châu Âu (EC) công bố bản “Kế hoạch hành động chung” với Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư.

Nội dung quan trọng nhất của kế hoạch này là hai bên đồng ý để thiết lập 6 trung tâm/trại tị nạn đón nhận người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ cung cấp một khoản trợ giúp về tài chính là 1 tỷ euro trong hai năm 2015 và 2016.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này cũng đã chi 6 tỷ euro cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn chủ yếu đến từ Syria.

Từ tháng 4/2015, EU đã phải chi một khoản ngân sách tới 120 triệu euro cho chiến dịch Triton tìm kiếm cứu nạn trên biển Địa Trung Hải trong hai năm 2015-2016.

Mới đây, Đức và Pháp cũng đã đề xuất áp thêm một loại thuế mới (có thể đánh vào giá nhiên liệu, có thể gộp vào thuế giá trị gia tăng) để dành cho quỹ hỗ trợ cuộc khủng hoảng người nhập cư.

Như vậy, có thể nói về tổng thể, ngân sách mà EU và các nước thành viên EU phải chi để giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư, đón người nhập cư là không hề nhỏ.

Từ con số của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra của riêng nước này, tổng số tiền EU chi cho cuộc khủng hoảng người nhập cư phải lên tới con số hàng chục tỷ euro.

Việc giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư đòi hỏi nhiều nỗ lực cả về vật chất và công sức con người. Các nước EU tiếp nhận người nhập cư sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh như giáo dục đào tạo, dạy nghề, các chi phí về an sinh xã hội như nhà ở, chăm sóc y tế, trường học, giao thông đi lại...

Trong bối cảnh các nền kinh tế EU vẫn đang trong tiến trình phục hồi mong manh sau cuộc khủng hoảng, bóng ma của cuộc khủng hoảng nợ công vẫn chưa biến mất, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao... việc EU phải gánh thêm gần 1 triệu người nhập cư hàng năm sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế.

Mặt khác, các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris tối 13/11, có liên hệ với tổ chức khủng bố ở Trung Đông hay vấn đề người nhập cư, có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với ngành du lịch, khách sạn, hàng hóa cao cấp của Pháp nói riêng và cả châu Âu nói chung.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã cho phép EU dùng vũ lực đối với các tàu buôn người trên biển Địa Trung Hải. Có thể nói đây là một giải pháp góp phần ngăn chặn dòng người lợi dụng chiến tranh để di cư sang châu Âu.

Một giải pháp căn cơ hơn đã được EU tính đến đó là lập các trại tị nạn bên ngoài châu Âu với sự trợ giúp tài chính từ EU mà thỏa thuận mới đây về việc thành lập 6 trung tâm đón nhận người nhập cư tại Thổ Nhĩ Kỳ là một bước đi đầu tiên trên lộ trình đó.

Việt Sơn (P/v TTXVN tại Paris)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục