Khủng hoảng thanh toán thương mại điện tử của "ông lớn" Qoo10

10:28' - 29/07/2024
BNEWS Số tiền cam kết quỹ khẩn cấp 70 tỷ won (50 triệu USD) của nhà sáng lập kiêm CEO Qoo10, nền tảng thương mại điện tử Đông Nam Á, khó có thể đủ để giải quyết các khoản nợ gần đây lên tới hơn 170 tỷ won.

Ngày 28/7, các cơ quan quản lý tài chính Hàn Quốc cho hay số tiền cam kết quỹ khẩn cấp lên tới 70 tỷ won (50 triệu USD) của ông Ku Young-bae, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Qoo10, một nền tảng thương mại điện tử Đông Nam Á có trụ sở chính tại Singapore, khó có thể đủ để giải quyết các khoản nợ gần đây lên tới hơn 170 tỷ won (121 triệu USD) do 2 công ty con đang gặp khó khăn của công ty này là TMON và WeMakePrice gây ra.

 

Tính xác thực của Qoo10 đang bị nghi ngờ sâu sắc, vì những lời kêu gọi không được đáp ứng đối với CEO của công ty khi đưa ra kế hoạch giải quyết các vấn đề mà khách hàng gặp phải, bao gồm cả khả năng thanh lý tài sản cá nhân của ông. Nơi ở của ông vẫn chưa được biết mặc dù cuộc khủng hoảng leo thang trong tuần qua.

Mặc dù các cơ quan chức năng Hàn Quốc đã tiến hành thanh tra 2 công ty con của Qoo10 vào tuần trước, nhưng dường như họ thiếu các giải pháp cơ bản. Thay vào đó, họ đã khuyến nghị các công ty thẻ tín dụng và cổng thanh toán xử lý những yêu cầu hoàn tiền của khách hàng, trên thực tế là chuyển giao trách nhiệm cho các trung gian giao dịch tài chính, những người cũng đang phải đối mặt với các vấn đề của riêng họ.

Những người theo dõi thị trường cho biết hồ sơ tài chính đáng ngờ của Qoo10 có liên quan chặt chẽ đến công ty con mới nhất Wish, đơn vị nhận được 2.300 tỷ won (1,64 tỷ USD) được cho là có nguồn gốc từ doanh thu bán hàng của TMON và WeMakePrice.

Các cơ quan tài chính Hàn Quốc cho biết tiếp Qoo10 đã đệ trình kế hoạch chuyển khoảng 50 triệu USD thông qua Wish, một công ty con thương mại điện tử hoạt động tại thị trường Bắc Mỹ và châu Âu, vào tháng Tám. Vẫn còn nhiều chỉ trích vì công ty mẹ vẫn chưa cung cấp thông tin chi tiết về cách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải quyết.

Tính đến ngày 22/7, tổng cộng 195 người bán trên WeMakePrice đã ghi nhận 56,5 tỷ won (40,35 triệu USD) trong các giao dịch thanh toán không thành công. Con số của 750 người bán trên TMON cũng ghi nhận số tiền lên tới 109,7 tỷ won (78,35 triệu USD).

Con số cuối cùng sẽ tăng vọt vì số liệu ngày 22/7 chỉ bao gồm các hồ sơ tính đến cuối tháng Năm. Các cơ quan tài chính Hàn Quốc coi kế hoạch trị giá 70 tỷ won (50 triệu USD) của ông Ku Young Bae là hoàn toàn không khả thi. Một quan chức cấp cao Chính phủ Hàn Quốc cho biết: "Sẽ không có gì cụ thể xảy ra từ sự cố này, trừ khi ông Ku Young Bae xuất hiện trước công chúng để xin lỗi và đưa ra kế hoạch khôi phục lại khoản lỗ của khách hàng". Trong khi đó, các công ty thẻ và cổng thanh toán đang phải chịu áp lực xử lý các yêu cầu hoàn tiền và hủy thanh toán theo khuyến nghị của chính phủ.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đang cân nhắc sử dụng tiền từ Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc do nhà nước điều hành hoặc tiền bảo lãnh từ Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc để tài trợ khẩn cấp.

Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc đã thành lập một nhóm phản hồi khiếu nại của người tiêu dùng vào ngày 25/7 tại Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng của nước này. Nhóm này sẽ hỗ trợ người tiêu dùng tìm kiếm sự bồi thường tại tòa án dân sự.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục