Khủng hoảng Ukraine "kéo" chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên chiều 7/3

17:10' - 07/03/2022
BNEWS Thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần 7/3.

Thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần 7/3, trong khi giá dầu bật tăng lên mức cao nhất gần 14 năm và giá vàng phá mốc 2.000 USD/ounce, giữa bối cảnh giới đầu tư ngày càng gia tăng lo ngại về tác động của căng thẳng Nga-Ukraine đối với nền kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm mạnh 764,06 điểm (2,94%), xuống 25.221,41 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Chỉ số Nikkei mở cửa phiên trong “sắc đỏ” khi các nhà đầu tư theo dõi diễn biến ở Ukraine. Những đồn đoán về các lệnh trừng phạt tiếp theo của Mỹ đối với Nga gây ra lo ngại rằng giá dầu có thể tăng cao hơn và ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, xu hướng “săn lùng” cổ phiếu giá hời đã giúp ngăn chỉ số Nikkei giảm xuống dưới mốc 25.000 điểm.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi cũng hạ hơn 2% giữa lúc những lo ngại về các lệnh trừng phạt ngày càng cứng rắn đối với Nga sau khi nước này triển khai hành động liên quan tới Ukraine có thể đẩy giá năng lượng lên cao hơn và tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp. Đóng cửa phiên này, chỉ số Kospi lùi 62,12 điểm (2,29%), xuống 2.651,31 điểm.

Thị trường chứng khoán Sydney của Australia cũng mất hơn 1%, trong khi thị trường chứng khoán Mumbai của Ấn Độ giảm hơn 2% phiên 7/3 này.

Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt trượt dốc, rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine khiến giá cả hàng hóa tăng vọt và số ca mắc mới COVID-19 tăng cao khiến giới đầu tư dè dặt hơn.

Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng giảm 3,9%, xuống 21.057,63 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite mất 2,2%, xuống 3.372,86 điểm.

Thông tin về kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng Một và tháng Hai vừa qua dường như tác động rất ít đến tâm lý nhà đầu tư. Trung Quốc dự kiến tăng trưởng kinh tế ước này sẽ chậm lại ở mức khoảng 5,5% trong năm nay, do những khó khăn bao gồm sự phục hồi không chắc chắn của kinh tế toàn cầu và sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của nước này. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn cao hơn ước tính của các nhà kinh tế và chuyên gia phân tích.

Các chính phủ trên thế giới cho đến nay vẫn chưa đưa dầu của Nga vào các lệnh trừng phạt do lo ngại về tác động lên giá cả và người tiêu dùng, mặc dù hoạt động thương mại ngày càng trở nên khó khăn khi các ngân hàng rút vốn và chi phí vận chuyển tăng.

Giá dầu tăng vọt đang khiến các ngân hàng trung ương “đau đầu” khi họ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ từ thời kỳ đại dịch để chống lạm phát, vốn đã ở mức cao nhất trong 40 năm tại Mỹ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào cuối tuần trước cảnh báo rằng căng thẳng Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ có "tác động nghiêm trọng" đến nền kinh tế toàn cầu.

Mối lo ngại này đã lan rộng khắp các thị trường, trong đó thị trường chứng khoán châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất do lục địa này phụ thuộc lớn vào năng lượng của Nga. Đồng euro lần đầu tiên giảm xuống dưới 1,10 USD/euro kể từ giữa năm 2020.

Chuyên gia Jeffrey Halley từ công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ) bày tỏ sự hoài nghi đối với các dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2022 trên toàn cầu. Ông cho rằng các con số đó sẽ cần được điều chỉnh thấp hơn đáng kể, đồng thời chờ đợi các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ làm gì trước tình hình này.

Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch 7/3, VN-Index giảm 6,28 điểm xuống 1.499,05 điểm. Toàn sàn có 207 mã tăng giá, 256 mã giảm giá và 39 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,27 điểm lên 452,86 điểm. Toàn sàn có 160 mã tăng giá, 91 mã giảm giá và 44 mã đứng giá. UPCOM-Index giảm nhẹ 0,07 điểm xuống 113,22 điểm. Toàn sàn có 228 mã tăng giá, 123 mã giảm giá và 75 mã đứng giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục